Nghiên cứu kịch bản thích ứng an toàn với Covid-19
Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu yêu cầu trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) và cho biết đã giao các cơ quan xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh. Những nơi đã tiêm đủ vaccine, cần chủ động việc này.
Cuộc họp được truyền trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước để xem xét tình hình, đánh giá những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt và triển khai các giải pháp trọng tâm giúp phòng chống dịch hiệu quả hơn thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, chiều 5/9
Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá các biện pháp phòng chống dịch hiện nay được đúc rút từ thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch gần 2 năm qua; đồng thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xác đáng của người dân, các nhà khoa học và tham khảo, học hỏi cách làm của khu vực và thế giới. Vừa qua, chúng ta tiếp tục điều chỉnh theo phương châm phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ.
Kết quả cho thấy phương châm, các giải pháp đề ra là đúng đắn, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, kết quả chống dịch chưa được như mong muốn. Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tiếp tục bám sát thực tiễn, sơ kết, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các biện pháp chống dịch.
Mục tiêu, quan điểm, phương pháp, lãnh đạo, chỉ đạo đã đúng hướng, nhưng việc tổ chức thực hiện ở các cấp vẫn còn hạn chế, bất cập. Vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa tính toán kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông…
Có nơi, có lúc còn chưa thực hiện nghiêm, chưa quyết liệt, đồng bộ, triệt để trong triển khai các quy định về phòng, chống dịch, nhất là về giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, “chặt ngoài lỏng trong”… hoặc thực hiện giãn cách, cách ly nhưng chưa có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.
Đại đa số người dân đã chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, tuy nhiên vẫn còn một số người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh và chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Công tác chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại một số xã, phường còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao; nhiều nơi chưa kiện toàn ban chỉ đạo, trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, chưa có quy chế làm việc và chưa phân công ứng trực phòng, chống dịch 24/24.
Một số chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ cơ sở, tình nguyện viên cần tiếp tục được xem xét, cập nhật, bổ sung phù hợp với diễn biến dịch bệnh…
Toàn cảnh cuộc họp
Để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt Nghị quyết 30 của Quốc hội, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo thống nhất “chống dịch như chống giặc”; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, nhân dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Những nơi chưa làm thì kiện toàn ngay các ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập trung tâm chỉ huy do chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp đứng đầu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24. Đến ngày 05/9/2021 vẫn còn 8 địa phương chưa thiết lập trung tâm chỉ huy.
Khi mục tiêu đã rõ, chiến lược đã thông, phương pháp đã được xác định, cần tập trung, quán triệt nghiêm túc, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành, nhất là tại xã, phường, thị trấn. Các nhiệm vụ, giải pháp đã có đầy đủ tại các văn bản chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số điểm cần lưu ý.
Trước hết, nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các địa phương khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được. Đã hy sinh phát triển kinh tế để thực hiện giãn cách thì phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.
“Trong thời gian giãn cách xã hội mà làm chập chờn thì mất cả hai: Không kiểm soát được dịch mà kinh tế thiệt hại, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Giãn cách xã hội phải làm triệt để, trong thời gian ngắn. Phải đón đầu, ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Về công tác y tế, các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn; phấn đấu đến 15/9/2021 tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất ba lần (2-3 ngày/lần); các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần (từ 5-7 ngày/lần). Các vùng xanh thì vẫn tiếp tục xét nghiệm tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện F0 và truy vết nhanh, dập dịch nhanh.
Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị và đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong; thiết lập và vận hành hiệu quả các trạm y tế lưu động; khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Về vaccine cho trẻ em, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.
Về sản xuất và lưu thông hàng hóa an toàn, Thủ tướng yêu cầu từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông…; phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo Quốc gia.
Thủ tướng nêu rõ, việc thiết lập hệ thống chỉ huy, kiểm tra trực tuyến tới tận cấp xã, phường, thị trấn không chỉ để tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn mà còn giúp các cấp giữ liên hệ gần gũi, trao đổi kỹ lưỡng hơn, hiểu nhau hơn. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, “ai vào việc đấy, đúng vai thuộc bài, không ai làm thay ai, tất cả phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân thông cảm, chia sẻ và tích cực tham gia phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan. Trong lúc đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine đảm bảo thích ứng an toàn với dịch COVID-19 thì phòng dịch vẫn là cơ bản, quyết định, lâu dài, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, đòi hỏi phải có sự chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng của nhân dân.
Trong khi nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, cần chủ động, nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong 1 đến 2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine. Khi đã thực hiện được mục tiêu về tiêm vaccine thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…, cùng với việc mỗi người có ý thức an toàn để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng xã hội. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kịch bản khôi phục kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu truyền thông là để dân biết – dân hiểu – dân tin – dân theo – dân làm, chỉ có như vậy với sức mạnh của nhân dân mới chống dịch thành công. Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, của nhân dân để phấn đấu quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm đạt mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
PV