Ngọc Hồi - Kon Tum: Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, thông thương với cửa khẩu Quốc tế Phoukeua của tỉnh Attapue (Lào) |
Huyện Ngọc Hồi có vị trí chiến lược về chính trị - an ninh - quốc phòng và là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh cũng như khu vực. Huyện có đường biên giới trên bộ dài 64,5km tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia; hệ thống đường giao thông liên vùng tương đối phát triển nối liền với tỉnh lỵ Kon Tum, các tỉnh Nam Lào và khu vực duyên hải miền Trung thông qua các tuyến đường quan trọng như QL 14 (đường Hồ Chí Minh), QL 40, QL 14C. Huyện còn sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, cây ăn quả (mít, bơ, xoài, sầu riêng, cây dược liệu, đinh lăng, nấm, nghệ vàng,…), chăn nuôi gia súc (lợn, bò, dê) cũng như phát triển các ngành công nghiệp chế biến (mủ cao su, cà phê, sắn), phát triển du lịch (với các điểm đến hấp dẫn như: Cột mốc ba biên giới; Quốc Môn, điểm du lịch văn hóa cộng đồng của người dân tộc thiểu số),…
Xác định "hạ tầng đi trước một bước" tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thời gian qua huyện Ngọc Hồi đã tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở, hạ tầng công nghiệp. Huyện đã bố trí khoảng trên 200 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa một số hạ tầng thiết yếu như: Đường trung tâm phía Nam thị trấn Plei Kần, đường trung tâm thị trấn Plei Kần, đường ĐH 74, đường trung tâm hành chính tuyến số 3,... nâng cấp trường học, bệnh viện, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cải tạo vỉa hè và hệ thống thoát nước,… Công tác chỉnh trang đô thị đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa VII (nhiệm kỳ 2020-2025).
Bên cạnh đó, với mục tiêu chung xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, UBND huyện đã tích cực cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng 10 danh mục dự án và đã được tích hợp vào Danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu danh mục đầu tư. Tiến hành kiện toàn và đưa hoạt động của Tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư huyện đi vào nề nếp, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm, UBND huyện đều duy trì ít nhất 01 buổi đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền.
Khu trung tâm hành chính huyện Ngọc Hồi |
Chỉ số cải cách hành chính của huyện (PAR INDEX) xếp loại Tốt; Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đều đạt kết quả đánh giá cao. Ngọc Hồi đã triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, trong đó: Thường xuyên rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các quy định không còn phù hợp liên quan đến các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường...; thường xuyên cập nhật, công khai thủ tục hành chính theo quy định; tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Chí Tường - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, một trong những nhiệm vụ quan trọng được chính quyền huyện triển khai xuyên suốt các năm qua là khai thác triệt để mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Huyện tập trung thu hút đầu tư trên 04 lĩnh vực chính gồm: Nông, lâm nghiệp; công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; đầu tư phát triển đô thị.
Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, giai đoạn 2015 – 2020, huyện đã thu hút được 71 dự án với tổng vốn đăng ký 1.732.418 triệu đồng. Đến nay nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra, huyện cũng đã đón nhiều nhà đầu tư đến khảo sát các dự án như: Khu nhà phố thương mại, khu dân cư mới thị trấn Plei Kần; nhà máy xử lý chất thải rắn liên hợp, phân vi sinh; đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh và khai thác Chợ thị trấn Plei Kần; khảo sát vùng trồng dược liệu và kết hợp với các hộ dân trong việc trồng, sản xuất và bao tiêu, thu mua sản phẩm dược liệu.
Những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội: Tổng giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt hơn 8.260 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch và tăng 12% so với năm 2021; cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 47 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước gần 430 tỷ đồng, đạt 125% dự toán tỉnh giao; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 100% kế hoạch. Đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh; 5/7 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 - 2025 là 816 hộ (chiếm tỷ lệ 5,15%), hộ cận nghèo là 312 hộ (chiếm tỷ lệ 1,88%); toàn huyện có 24/30 trường đạt chuẩn quốc gia.
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Ngọc Hồi sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển mạnh lĩnh vực thương mại - dịch vụ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; khuyến khích xã hội hóa phát triển hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại; hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng thiết yếu khác phục vụ du lịch. Phối hợp quảng bá hình ảnh tiềm năng lợi thế, bản sắc văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể thu hút khách du lịch.
Thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi |
Huyện cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; thu hút các doanh nghiệp liên doanh, liên kết thực hiện bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Song song với đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng, lợi thế phù hợp với nhu cầu thị trường, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp có lợi thế (chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối điện, nước,...), chú trọng công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cà phê, cao su và nông sản khác, để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh.