Nguy cơ dẫn tới ngày tàn đối với y học hiện đại
(SK&MT) - 10 triệu người có thể tử vong vào năm 2050 nếu ngay từ bây giờ các nhà khoa học và chính phủ không có hành động nhanh chóng giải quyết tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Nghĩa là đến năm 2050, cứ 3 giây lại cướp đi sinh mạng của một người. Cái giá phải trả với nền kinh tế vì tình trạng vi khuẩn kháng thuốc sẽ tăng lên đến 100.000 tỷ USD vào thời điểm đó. Đó là dự đoán của những chuyên gia tham gia cuộc nghiên cứu được Chính phủ Anh tài trợ bắt đầu từ giữa năm 2014 về kháng thuốc.
Từ nghiên cứu trên, Jim O'Neill nêu ra các đề xuất như: thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức trên quy mô toàn cầu về mối nguy hại của vi khuẩn kháng kháng sinh; Lập quỹ trị giá 2 tỷ USD cho các nghiên cứu về vấn đề này: Đẩy mạnh sử dụng vaccine và các loại thuốc thay thế thuốc kháng sinh…
Được phát hiện năm 1928 rồi đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1943, kháng sinh được xem như phép màu giúp con người chữa trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn nguy hểm như thương hàn, lao, tả…Nhưng, chỉ 4 năm sau khi kháng sinh được đưa vào sử dụng rộng rãi, các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng bắt đầu xuất hiện. Về cơ bản, khi một loại kháng sinh được sử dụng nhiều lần, vi khuẩn sẽ trở nên"nhờn" với kháng sinh sau một thời gian dài. Do đó, việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng. Các nhà khoa học sẽ phải tìm ra một loại kháng sinh mới để phù hợp với loại siêu vi khuẩn mới ra đời.
Cho tới ngày nay, các loại vi khuẩn gây ra những căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới đều thay đổi cấu trúc nhanh theo thời gian. Thông thường, mỗi loại kháng sinh có tác dụng chống lại một số vi khuẩn nhất định và những vi khuẩn cứng đầu không bị khắc chế bởi loại kháng sinh này có thể sẽ chịu khuất phục trước loại kháng sinh khác. Do đó, dưới áp lực chọn lọc khi tiếp xúc với chất kháng sinh, gene kháng thuốc kháng sinh sẽ tự hình thành trong vi khuẩn thông qua một đột biến gene có lợi nào đó. Không những có khả tăng tự sản sinh ra gene kháng thuốc, vi khuẩn còn có thể thu nhận gene kháng thuốc từ các vi khuẩn khác.
Tuy nhiên, mọi việc đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi giới y học phát hiện ra loại vi khuẩn “siêu kháng thuốc” khi chúng trơ lì trước hầu hết các loại kháng sinh hiện có.
Loại gene kháng kháng sinh NDM-1 (New Delhi Metallo-Beta-Lactamase) được đặt theo tên thủ đô New Delhi của Ấn Độ khi nó được phát hiện cuối năm 2009. Một bệnh nhân người Thụy Điển phát bệnh tại Ấn Độ và sau khi điều trị không thành công ở New Delhi, đã được đưa về nước tiếp tục chạy chữa. Các bác sĩ đã phát hiện trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này một loại gene nguy hiểm có khả năng vô hiệu hóa hầu như mọi loại kháng sinh hiện có.
Theo thống kê, các vi khuẩn kháng thuốc sẽ thường xuất hiện ở những người bệnh có tiền sử sử dụng kháng sinh không đúng cách. Thực tế này đã được chứng minh khi hầu hết các bệnh nhân phát hiện dương tính với NDM-1 đều đã từng điều trị tại các bệnh viện ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh... (những nước có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan).
Vi khuẩn sản sinh ra NDM-1 kháng lại hầu hết các loại kháng sinh hiện có bao gồm cả carbapenems - nhóm kháng sinh đặc trị thường được dùng trong các trường hợp khẩn cấp và được xem như hy vọng cuối cùng của bệnh nhân.
Cho đến nay, NDM-1 đã được phát hiện có trong 2 loại vi khuẩn: Vi khuẩn đường ruột E.coli gây bệnh tả và loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi Klebsiella. Cả hai loại vi khuẩn này đều có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm độc máu. Mức độ nguy hiểm càng cao hơn khi NDM-1 có thể dễ dàng nhảy từ nhóm vi khuẩn này sang nhóm vi khuẩn khác. Điều đó có nghĩa là chẳng có gì đảm bảo rằng NMD-1 chỉ dừng chân ở hai loại vi khuẩn nói trên. Nếu NDM-1 thâm nhập vào loại vi khuẩn đã sẵn kháng với nhiều loại kháng sinh khác thì nó sẽ gây ra những căn bệnh gần như không thể nào chữa được.
Đối phó với siêu vi khuẩn kháng thuốc, theo các nhà khoa học, chúng ta vẫn còn nhiều biện pháp khả thi giúp kiểm soát quá trình này.
Bào chế kháng sinh mới:
Cho đến nay mới chỉ có hai loại kháng sinh polymyxins và tigecycline có thể trị được loại vi khuẩn mang gene NDM-1 nhưng cũng không đảm bảo chắc chắn thành công. Các nhà khoa học và các công ty dược phẩm vẫn không ngừng tích cực nghiên cứu tìm ra loại kháng sinh mới có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của những loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm này.
Kiểm soát sự lây lan của vi khuẩn:
Một trong những cách đơn giản nhất giúp “phòng bệnh”, đặc biệt đối với những người dễ lây nhiễm như bệnh nhân hay y bác sĩ chính là rửa tay đúng cách. Những bệnh nhân nhiễm bệnh gây ra bởi các vi khuẩn kháng kháng sinh cũng cần được xác định kịp thời và cách ly trong toàn bộ trong thời gian điều trị để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan.
Các chuyên gia y tế nhận định: Những căn bệnh lây nhiễm thông thường có thể trở thành kẻ giết người thầm lặng nếu không có những biện pháp kịp thời trong trận chiến chống lại các vi khuẩn kháng thuốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo “Tình trạng kháng kháng sinh là một mối nguy lớn đối với y tế công cộng trên toàn cầu mà chúng ta cần hành động ngay để giải quyết chúng".
Trợ lý Giám đốc an ninh Sức khỏe của WHO, Keiji Fukuda nói: "Nếu không hành động kịp thời, thế giới đang dịch bước tới kỉ nguyên hậu kháng sinh, khi mà những căn bệnh tưởng chừng như đơn giản có thể gây tử vong".
Kháng kháng sinh đang trở thành mối nguy toàn cầu và có thể dẫn tới ngày tàn đối với nền y học hiện đại khi mà sự phụ thuộc vào các loại thuốc kháng sinh hiệu quả cho nhiều loại bệnh là vô cùng lớn.
Thế giới cần có một kế hoạch hành động hợp lý và đồng bộ, từ việc tiêm chủng và kiểm soát lây nhiễm, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào chất kháng sinh. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ quay lại thời kì "tiền kháng sinh" nếu không có những loại thuốc mới phù hợp với các loại vi khuẩn hiện đại.
Trong khi khoa học chưa hiểu rõ ngọn ngành nguyên nhân kháng thuốc kháng sinh cũng như sự tiến hóa của loài vi khuẩn, giới y học khuyến cáo mọi người nên dùng thảo mộc thay thế./.
Linh Đức