Nhật Bản: Thiệt hại lớn do nạn tự tử
Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK vừa tính toán thiệt hại kinh tế của đất nước vì nạn tự sát. Con số được đưa ra là trên 4 tỷ USD mỗi năm.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết 21.897 người ở nước này đã tự sát trong năm 2016, mức thấp nhất kể từ năm 1994 khi các vụ tự tử được thống kê.Sự suy giảm trên có được là nhờ luật sửa đổi về các biện pháp đối phó với vấn nạn này, vốn có hiệu lực từ tháng 4 năm ngoái. Năm 2005, Nhật Bản đã thành lập các cơ quan phòng chống nạn tự sát.
Nhật Bản là một trong những nước có tuổi thọ cao nhất thế giới với mức trung bình 83,3 tuổi. Dù vậy, họ cũng có tỷ lệ tự tử cao nhất hành tinh.Nhật Bản cũng được xem là một trong những nơi mà người dân làm việc quá sức nhất thế giới. Căng thẳng công việc là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người Nhật chọn cách tự sát. Trong tiếng Nhật còn có từ “karoshi” để chỉ cái chết vì làm việc quá sức. Thuật ngữ trên xuất hiện từ thập niên 1970 và hiện vẫn là chủ đề nóng trong nhiều bài báo.
Tháng 10/2016, Tokyo công bố nghiên cứu đầu tiên về “karoshi”, cho thấy nhân viên tại 12% tổng số doanh nghiệp làm ngoài giờ hơn 100 tiếng mỗi tháng.
Giống như tại phần lớn các nước phát triển, ở Nhật Bản, tự tử là nguyên nhân gây tử vong số 1 đối với thanh niên, chiếm 1/3 số người chết ở độ tuổi từ 20 đến 49. Số người chết do tự tử cao gấp 5 lần số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ.
Nguyên nhân cơ bản của tự tử thì đâu cũng vậy, từ tuyệt vọng do thảm kịch nào đó hay cảm giác thất bại của cá nhân, đến bệnh trầm cảm, do các nhân tố thần kinh hay sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, có 2 lý do thường được giới truyền thông Nhật Bản viện dẫn là bị bắt nạt ở trường học và rủ nhau cùng tự tử qua internet.
Một trong những nhân tố nữa là kinh tế trì trệ. Trước đây cũng từng có nhiều thời kỳ khó khăn, nhưng khủng hoảng kinh tế lần này được đánh giá là mạnh nhất và toàn diện nhất trong 100 năm qua. Vỡ mộng, tan vỡ niềm tự hào là trụ cột gia đình dẫn tới thất vọng và xa lánh xã hội, cô lập với người thân và bạn bè.
Nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất, theo các nhà xã hội học, là xã hội Nhật Bản không lên án việc tự sát. Đối với người Nhật, trong những trường hợp nhất định, tự tử thường được xem là hành động cao cả và đầy trách nhiệm đối với thất bại trong cuộc sống. Thậm chí, nó còn được gắn với những yếu tố lãng mạn, trong đó người ta có mong muốn là tự vẫn để được đi theo người đã khuất.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu cắt giảm số người chết vì tự tử hơn 20% trong những năm tới, xem đây là một ưu tiên. Chính phủ có kế hoạch nâng cao nhận thức và tăng cường giáo dục về tự tử tại các trường học và nơi làm việc. Nhưng các quan chức lo ngại, số người tự tử sẽ còn tăng do tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay, tình hình việc làm bất ổn, số vụ phá sản tăng...
Linh Đức