Nhiều huyện miền núi Thanh Hóa bị thiệt hại do mưa lũ
Thông tin từ UBND huyện Mường Lát cho biết, mưa lũ đã khiến cống thoát nước bị sạt lở một phần trên Tỉnh lộ 521E (tại Km22), thuộc địa phận bản Bóng xã Mường Chanh; đường lên nhà Văn hóa bản Pù Quăn, xã Pù Nhi bị sạt 1 điểm. Tại Km 8+200, tuyến đường bản Cá Nọi đi bản Pù Quăn sạt lở 1 điểm gây ách tắc giao thông, khối lượng đất đá khoảng 160m3, hiện tại chưa lưu thông được. Một số tuyến đường ở các bản Cá Nọi, Hua Pù (xã Pù Nhi) cũng bị sạt lở.
Mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại về tài sản tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa |
Tại Km 93+730, tuyến Quốc lộ 15C, do cống và rãnh thoát nước bị tắc, khi xảy ra mưa lớn bùn và đất đá tràn lên mặt đường. Còn tại Km 86+800 - Km86+800, chiều dài khoảng 100m, đang có nguy cơ sạt lở cao từ trên đồi xuống Quốc lộ 15C.
Đối với tuyến đường Na Tao – Mường Chanh sạt lở 1 điểm tại bản Pù Quăn, xã Pù Nhi, khối lượng đất đá khoảng 120m3. Tuyến đường nhánh từ khu phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát đi bản Pù Quăn, xã Pù Nhi là đường vành đai biên giới bị sạt lở nhiều điểm, khối lượng đất đá khoảng 150m3, hiện tại chưa lưu thông được.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn mới đây, mưa lũ, sạt lở đất đã làm nhà ở, các công trình phụ, tài sản của 3 hộ dân các xã Na Mèo, Trung Tiến bị hư hỏng; 5,68ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; gần 1.200m2 diện tích nuôi thủy sản bị cuốn trôi, thiệt hại khoảng 500kg cá; nhiều tuyến đường giao thông liên thôn của các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Thủy bị hư hại...
Riêng huyện Quan Hóa, lúc 12h ngày 23/7, nước suối Pu ở xã Thành Sơn, huyện Quan Hoá dâng cao, gây ngập đập tràn, cuốn trôi 2 ngôi nhà tạm, nhiều diện tích hoa màu, cá nuôi lồng...của người dân. Sau khi xảy ra lũ quét, lực lượng chức năng bố trí người túc trực hai bên đập tràn, cấm tuyệt đối người dân không lại gần khu vực xảy ra lũ quét.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Quan Hóa và huyện Quan Sơn đã chỉ đạo lực lượng chức năng, địa phương có thiệt hại khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ hộ bị thiệt hại sớm ổn định đời sống. Huy động máy móc, nhân lực xử lý số lượng đất, đá sạt trượt, đảm bảo giao thông thông suốt, đặt biển cảnh báo tại các nơi nguy hiểm.
Đồng thời, tổ chức sơ tán các hộ dân tại nơi bị sạt lở đất, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện và chủ động các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống khẩn cấp, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.