Nhiều nước ráo riết nghiên cứu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi
Mới nhất, các khoa học gia tại Phòng thí nghiệm Sức khỏe Động vật của Australia ở bang Victoria hy vọng sớm có bước đột phá, nhưng ít nhất phải mất 5 năm nữa mới có được một phương thuốc hữu hiệu.
Nghiên cứu tìm vaccine ngừa dịch tả lợn Châu Phi
Tại Trung Quốc,cjhính quyền đang ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu về loài virus này, đã chi khoảng 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) cho các dự án.
Viện Nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân (HVRI) là một trong số ít các viện nghiên cứu được phép sử dụng virus sống trong nuôi cấy tế bào, và là nơi duy nhất ở Trung Quốc đủ tư cách để kiểm tra thử khả năng lây nhiễm trên lợn, điều thiết yếu trong phát triển vaccine, Viện trưởng Bu Zhigao cho biết, họ đang tìm hiểu sự miễn dịch tự nhiên ở lợn với bệnh dịch tả nhằm tìm ra các loại thuốc và phát triển các kỹ thuật chẩn đoán mới nhưng do virus đang lan rộng và việc phát triển vaccine được ưu tiên hàng đầu, Zhigao hé lộ thông tin, dẫu không cho biết chi tiết về nghiên cứu này.
Các nhà nghiên cứu HVRI cho biết đang nghiên cứu về một loại vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm này có sử dụng một chủng ít độc lực của virus gây bệnh nhằm kích hoạt sự phản hồi của hệ miễn dịch – được biết với tên gọi vaccine giảm độc lực – thay vì sử dụng một chủng bị bất hoạt hay một phần của loài virus này. Ưu điểm của các vaccine giảm độc lực là chúng có xu hướng tạo ra một phản ứng mạnh và lâu dài hơn so với các vaccine bất hoạt.
Tại Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra được vaccine bước đầu khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm có kết quả rất tích cực. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng VI đang nghiên cứu nhiều hướng và cũng có kết quả tích cực.
Các chuyên gia thế giới về bệnh lợn cho biết, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bắt đầu xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.
Đến năm 2007, dịch bệnh DTLCP lại xuất hiện tại châu Âu và giờ là Tây Âu. Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh.
Theo số liệu mới công bố hiện dịch bệnh này đã lây lan ra khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho việc phòng ngừa. Đặc biệt, dịch bệnh này hiện nay đang hoành tại các tỉnh ở Trung Quốc khiến quốc gia này phải tiêu huỷ khoảng 200 triệu con lợn, gây thiệt hại lớn chưa từng có và đang đối diện với nguy cơ thiếu thịt lợn trầm trọng.
Linh Đức