Những tín hiệu tốt từ các mô hình nông nghiệp ở Cần Thơ
Tại mỗi nơi đến thăm, đoàn được giới thiệu về quy trình sản xuất nông nghiệp canh tác theo hướng bền vững. Cùng với đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang các thị trường.
Theo Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, hiện nay Công ty đang đầu tư liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh các loại lúa để cung cấp các sản phẩm gạo theo yêu cầu của khách hàng với quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại và bền vững. Công ty đã trở thành đơn vị đi đầu thực hiện mô hình cánh đồng lớn và có diện tích trồng lúa sạch, hữu cơ lớn ở Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, Công ty đã vươn lên trở thành một trong những thương hiệu uy tín của ngành kinh doanh xuất khẩu gạo. Bên cạnh giá trị cốt lõi mang đến nguồn gạo sạch cho người dân Việt, Trung An với vị thế dẫn đầu còn hướng đến mục tiêu đưa nông sản Việt ra thế giới với chất lượng chuẩn quốc tế. Xuất khẩu gạo của Công ty đi nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines, Australia, Hoa Kỳ, Đức, Dubai, Abu Dhabi, Abidjan, Thụy Sĩ, Qatar, Canada.
Đánh giá cao quy trình canh tác lúa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Ngài Vital KAMERHE, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Công Gô cho biết rất ấn tượng với những thành tựu về nông nghiệp của Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL. Ngài Vital KAMERHE chia sẻ: “Cộng hòa Dân chủ Công Gô có diện tích đất đai lớn nhưng vẫn trong tình trạng thâm hụt lương thực. Vì vậy, đất nước chúng tôi mong muốn được hợp tác với các quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững”.
Đến thăm hợp tác xã New Green Fram, đoàn được giới thiệu về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp, sử dụng công nghệ cảm ứng để đo mực nước ruộng và đo đếm lượng khí metan phát thải trong suốt giai đoạn sinh trưởng lúa, mô hình làm tiền đề để đánh giá hiệu quả bước đầu và từng bước giúp nông dân nhân rộng trên toàn diện tích sản xuất lúa của Cần Thơ. Cùng với đó là tận dụng phụ phẩm từ lúa gạo, nông dân sử dụng nguồn rơm sau khi thu hoạch lúa để trồng nấm nhằm thực hiện mục tiêu tích hợp đa giá trị. Ngoài ra, hợp tác xã đang thực hiện ủ phân hữu cơ từ rơm. Hiện mô hình đang được nhiều tỉnh, thành lân cận và các đoàn quốc tế tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển mô hình tại địa phương như An Giang, Hậu Giang, Campuchia, Ấn Đô, Philippine, Ngân hàng thế giới, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Thụy sĩ và các quốc gia đến từ Châu Phi.
Trong chuyến tham quan đoàn đã đến thăm Khu sinh thái Sông Hậu Farm với diện tích 14ha và quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, kết hợp với hệ thống phun tưới tự động tiết kiệm nguồn nước, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đoàn đã ghé thăm các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP; trải nghiệm và tự tay các loại bánh dân gian Nam Bộ. Cùng với đó là clip giới thiệu về Khu sinh thái Sông Hậu Farm, định hướng phát triển du lịch sinh thái phát triển nông nghiệp bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.
Một số hình ảnh của đoàn tham quan thực tế được Tạp chí Sức khỏe và Môi trường ghi nhận: