Nỗ lực bảo vệ môi trường của một giải thể thao
SK&MT - Tour de France là cuộc đua xe đạp lớn nhất thế giới diễn ra hăng năm tại Pháp.Mọi người vẫn nghĩ xe đạp không gây ô nhiễm. Đúng vậy, nhưng cuộc thi đấu lớn như Tour de France tập trung nhiều hoạt động bên lề, thu hút hàng triệu người theo dõi, vấn đề môi trường không phải là không được đặt ra, thậm chí còn là ưu tiên hàng đầu của các nhà tổ chức. Tour de France đang nỗ lực rất nhiều để giảm thiểu các tác động môi trường.
Với từ 10 đến 12 triệu người theo dõi trực tiếp trên đường đua, những người hâm mộ đó có thể thải ra khoảng từ 10 đến 20 tấn rác trên một số chặng thi đấu. Bên cạnh đó là các đoàn xe quảng cáo phân phát cho khán giản hàng triệu sản phẩm khuyến mại, thường được bao gói bằng nhựa.
Thực tế đó buộc các nhà tổ chức Tour de France phải đặt ưu tiên hàng đầu vấn đề quản lý rác thải, đặc biệt khi nhiều chặng thi đấu của Tour de France đi qua những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đẹp và nổi tiếng.
Ông Philippe Sudres, giám đốc truyền thông của ban tổ chức cuộc đua cho biết từ đầu những năm 2000, các nhà tổ chức đã ý thức được vấn đề này và đã cố gắng trả lại các tuyến đường và cảnh quan như hiện trạng như khi đoàn đua chưa đi qua. Tuy vậy, ở không ít địa điểm sau khi đoàn đua đi qua, rác thải vẫn tràn ngập, làm xấu đi hình ảnh của một môn thể thao thân thiện với môi trường như xe đạp.
Những đống rác thải như vậy còn gây bực mình cho chính quyền địa phương vốn trước đó vẫn háo hức được đón đoàn đua. Họ phải chi rất nhiều tiền để thu lượm rác thải. Ở nhiều nơi, chính quyền đã phải huy động các nhân viên địa phương nhắc nhở mọi người tự thu gom rác thải.
Ông André Bancala, điều phối viên của hội đồng các tỉnh có đoàn đua đi qua cho biết đã phân phát 100 nghìn túi thu gom rác trên dọc hành trình của đoàn đua Tour de France. Rác thải phải được thu gom ngay trong ngày hoặc cùng lắm là một ngày sau. Trước đó, người ta phải mất cả tuần mới dọn sạch môi trường.
Từ nhiều năm qua, các nhà tổ chức đã cho đặt các điểm thu gom rác thải sau khu vực hậu cần của đoàn đua, hoặc đặt ở dưới các chân đèo để thu lượm các chai nước uống mà các vận động viên vứt ra ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào. Đây là một công việc không hề đơn giản.
Ngoài vấn đề rác thải, Tour de France không phải là không phát thải khí các-bon. Tour de France được hàng triệu khán giả theo dõi trực tiếp và qua truyền hình, như vậy cuộc đua gián tiếp làm phát thải hơn 340.000 tấn các-bon, theo số liệu năm 2013.
Chỉ số phát thải này sẽ rút xuống còn khoảng trên 22 nghìn tấn nếu như không có các hoạt động đi kèm như đoàn xe quảng cáo sản phẩm, công tác tổ chức hậu cần cho đoàn đua và các hoạt động của báo chí. Để so sánh, một hoạt động thể thao lớn như Cúp bóng đá thế giới tại Brazil 2014 có thể phát thải 2,7 triệu tấn các-bon.
Về góc độ môi sinh, nhà tổ chức Tour de France năm nay đã ký với Bộ Thể Thao Pháp và Quỹ nảo tồn thiên nhiên thế giới ( WWF ) một bản cam kết gồm 15 điều khoản nhằm hạn chế các tác động gây hại đến môi trường.Biện pháp đầu tiên, Tour de France cố gắng giảm số lượng xe hơi đi cùng trên hành trình đua, khuyến khích các đội dùng chung xe và hạn chế tốc độ xe tối đa là 80km/giờ. Có lẽ trong tương lai các nhà tổ chức sẽ phải lựa chọn xe chạy điện phục vụ đoàn đua.
Cuộc đua cũng đã làm một số nghiên cứu về tác động đến những địa danh thiên nhiên được bảo vệ mà đoàn đua đi qua để có các biện pháp, như tránh để trực thăng bay qua, đặt biển chỉ dẫn cho khán giản hay cấm xe quảng cáo ném quà khuyến mại cho khách ở những địa điểm như vậy.
Những nỗ lực bảo vệ môi trường của các nhà tổ chức cuộc đua mới chỉ là những bước khởi đầu, nhưng rất cần thiết để tôn cao hình ảnh và uy tín của giải đấu có lịch sử hơn 100 năm này. Nhất là giờ đây bất kỳ hoạt động nào của con người đều phải tính đến yếu tố môi trường.
Linh Đức