Nước biển dâng khiến lũ lụt ngày càng khốc liệt
Theo thống kê, có hơn 600 triệu người trên thế giới sống ở các vùng ven biển thấp. So với mực nước biển thì các vùng này cao hơn chưa tới 10m. Và nếu các nước phát triển, như dự đoán của các nhà khoa học, có đủ nguồn lực để bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng thì những nước có trình độ phát triển trung bình sẽ chịu thiệt hại kinh tế lớn hơn cả.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã áp dụng những mô hình tình toán có độ chính xác cao gấp 10 lần so với mô phỏng về tác động của biến đổi khí hậu thực hiện trên máy tính. Theo nghiên cứu này, châu Á - châu lục vốn có nguy cơ xảy ra các trận lũ lụt nghiêm trọng nhất - sẽ là khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất với số người bị ảnh hưởng do lũ lụt từ sông khá cao, từ 70 triệu người đến 156 triệu người đến năm 2040.
Một bài phân tích đăng trên tờ Jakarta Post (Indonesia) cho biết nước biển dâng do hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng đáng kể tần suất lũ lụt đối với các quốc ven biển vào giữa thế kỷ, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới.
Báo cáo của tạp chí Scientific cho rằng mực nước biển toàn cầu vào năm 2050 sẽ tăng gấp đôi từ 10-20cm, kéo theo đó làm tăng gấp đôi nguy cơ lũ lụt ở các quốc gia cũng như các thành phố ven biển.
Tại các quốc gia nhiệt đới, cư dân sống dọc các con sông lớn cũng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt với tần suất tăng gấp đôi hiện nay, đặc biệt là người dân ở các quốc gia có mật độ dân số cao như ở châu Á và châu Phi. Nếu nước biển tăng thêm đến 25cm vào giữa thế kỷ, lũ lụt sẽ thực sự là thảm họa khôn lường đối với các quốc gia ở vùng nhiệt đới.
Theo dự báo của Cục Quản lý Khí hậu và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng lên đến 2,5m vào năm 2100. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng thêm 1 độ C kể từ giữa thế kỷ 19 và nó đã để lại hậu quả nặng nề trong vòng 70 năm qua.
Theo các nghiên cứu, các biện pháp như tăng cường hệ thống đê điều, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, tái định cư những khu vực dễ bị ảnh hưởng và kiểm soát mực nước sông cần phải được chú trọng hơn nữa mới có thể giúp hàng triệu người dân tránh bị tác động bởi thiên tai này.
Theo các nhà khoa học, nguy cơ cao lũ lụt từ các sông trong nhiều thập kỷ tới là do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch dẫn tới phát thải khí nhà kính ra khí quyển. Lượng khí này tích tụ càng nhiều quanh Trái Đất, càng có nhiều hơi nước tích tụ và gây ra nhiều mưa. Do vậy, việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính là yếu tố cốt lõi nhằm giảm nguy cơ lũ lụt trong tương lai.
Anders Levermann, một nhà nghiên cứu tại đài quan sát Trái Đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia nhận định nguy cơ xảy ra lũ lụt sẽ lên tới mức không thể đối phó được nếu con người tiếp tục các hoạt động khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên với mức tăng trên 2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Linh Đức