Ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn cả bệnh di truyền
Ô nhiễm không khí làm thay đổi biểu hiện của các gien chứ không phải làm biến đổi các gien. Gây hậu quả tai hại nhất là chất sulfur dioxide. Nó ảnh hưởng đến 170 gien liên quan đến bệnh hen suyễn và các bệnh về tim mạch. Kết luận trên được các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu ung thư tại Ontario (Canada) đưa ra sau khi phân tích mức độ ô nhiễm ở TP. Montreal và các khu vực kém đô thị hóa hơn ở Canada, cũng như hồ sơ di truyền của hơn 1.000 cư dân địa phương.
Các nhà nghiên cứu cũng tính đến sự hiện diện của nitơ dioxite, sulfur dioxide và ôzôn trong không khí cũng như các hạt rắn có thể xâm nhập sâu vào phổi. Kết quả là ở các thành phố lớn tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với ở vùng nông thôn. Và sự biểu hiện của các gien, đặc biệt là các gien liên quan đến chức năng của phổi, đã thay đổi nhiều hơn ở nhóm cư dân của các thành phố lớn nơi có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo thống kê của Viện Max Planck trên tạp chí Nature, hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí. Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong năm 2012 dẫn đến cái chết của khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới.
Nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp đầu tiên, gây viêm đường hô hấp trên như tai mũi họng. Bệnh nhân thường xuyên nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, nặng hơn gây tình trạng dị ứng gây hen suyễn.
Trong khi đó, mũi là cửa ngõ của đường hô hấp vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến cửa ngõ này rất dễ xuất hiện và thực sự khó kiểm soát.
Còn về tim mạch, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, độc tố ngấm trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim,…
Theo các chuyên gia nguồn ô nhiễm không khí là do con người tạo ra, chẳng hạn như khói từ các phương tiện giao thông, từ quá trình sản xuất công nghiệp… Tuy nhiên cũng có một số nguồn gây ô nhiễm là từ tự nhiên như bụi sa mạc do hoạt động của núi lửa, cháy rừng...
Linh Đức