Ô nhiễm tiếng ồn – mối nguy hiểm thứ hai đối với sức khỏe
SK&MT - Trên thế giới, từ lâu người dân đã rất bức xúc với việc ô nhiễm tiếng ồn. Theo các nhà chuyên môn, ô nhiểm tiếng ồn có hại về sinh lý, tâm lý và có tầm ảnh hưởng xã hội.
Về tâm lý, môi trường ồn có thể gây cho ta stress, căng thẳng thần kinh, dễ cáu, nóng nảy, hung hăng,dễ bị kích động,...
Về xã hội, ở trong tiếng ồn ta hay phán đoán người khác, nghi ngờ và lo sợ trước người khác, khó tiếp xúc với người khác,...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển. Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và từ các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khỏe của chúng ta, thường gặp nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress... WHO định nghĩa 55db là mức độ tiếng ồn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Một nghiên cứu trên do Tạp chí Tim mạch châu Âu thực hiện với các dữ liệu được thu thập từ 8,6 triệu người sống tại London từ năm 2003-2010 cho thấy: Những người bị bao bọc bởi tiếng ồn giao thông lớn hơn 60db (decibel) có nguy cơ chết sớm hơn khoảng 4% so với những người chịu tiếng ồn dưới 55db. Người lớn sống trong khu vực tiếng ồn giao thông nhiều nhất nhập viện vì đột quỵ cao hơn 5% so với những người sống ở khu vực yên tĩnh hơn. Đối với người già, nguy cơ này cao hơn tới 9%. Trong khi đó, tại London, hơn 1,6 triệu người hiện đang sống trong môi trường tiếng ồn cao hơn mức 55db.
Tiến sĩ Jaana Halonen đến từ Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London cho biết, để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đo lượng tiếng ồn giao thông theo các mốc từ 7h-23h và ngược lại; đồng thời tìm mối liên hệ giữa số người chết và tỉ lệ nhập viện.
Ô nhiễm tiếng ồn được xếp vào dạng ô nhiễm nguy hại thứ 2, chỉ sau ô nhiễm không khí. Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị gây ra tiếng ồn ở mức báo động, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và sức khoẻ của người dân.
Từ năm 1997, Trung Quốc đưa vào thực hiện luật phòng chống và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, các tụ điểm vui chơi giải trí nằm trong khu vực đô thị phải tuân thủ các luật lệ, quy chuẩn về âm lượng của nhà nước. Hơn nữa, khi lắp đặt các vật dụng như thiết bị sưởi ấm, máy điều hoà mà gây tiếng ồn lớn, chủ sở hữu phải có biện pháp cách âm hiệu quả.
Luật ô nhiễm tiếng ồn của Nhật được ban hành vào năm 2000, tiếng ồn công cộng không được vượt quá 45 db, tương đương chim hót.
Tại Mỹ, đạo luật giảm và tránh ô nhiễm tiếng ồn 1972 thiết lập tiêu chuẩn âm lượng với phương tiện giao thông, máy bay, thiết bị sưởi ấm, hệ thống thông gió và điều hoà không khí...Theo thống kê, tại Mỹ hằng năm người ta đã phải tốn hơn 5 tỷ USD để chữa trị cho những bệnh nhân bị ô nhiễm tiếng ồn.
Trong khi đó, chính phủ Thuỵ Sĩ coi việc xả nước sau 22h cũng là hành vi tạo ra ô nhiễm tiếng ồn, gây phiền toái với những người sống trong cùng toà nhà. Thành phố Geneva tuyên chiến với vấn nạn đau đầu này bằng việc xử phạt những người vi phạm, cố tình gây ô nhiễm tiếng ồn với khoản tiền từ 50 đến 1.000 USD.
“Nếu ai đó hét trên đường phố, họ sẽ bị phạt 150 USD. Một khu phố bị đánh thức bởi tiếng còi ôtô, chúng tôi sẽ thu phạt từ 300 đến 1.000 USD”, Olivier Jornot, tổng chưởng Geneva cho biết.
Theo luật Bảo vệ Môi trưởng năm 1990 của Anh, những người gây ra tiếng ồn vượt quá mức cho phép vào khung giờ cấm (23h đến 7h sáng) thậm chí bị kết tội và phải ngồi tù.
Tại Singapore, Bộ Môi trường nước này phải tiến hành đánh giá độc lập về mức độ tiếng ồn. Nếu vượt quá mức độ quy định, chủ sở hữu phải chịu khoản tiền phạt tối đa là 2.000 USD, nếu tái phạm phải nộp 100 USD mỗi ngày tiếp theo...
Linh Đức