Paris và cuộc chiến chống rác thải
SK&MT - Thủ đô Paris của Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Trong các tấm bưu ảnh, Paris hiện lên yêu kiều, lộng lẫy, thơ mộng, với các công trình đồ sộ, sông Seine êm đềm. Người ta gọi Paris bằng các mỹ từ “kinh đô ánh sáng”, “Paris hoa lệ”, “thành phố tình yêu”. Nhưng Paris ngoài đời khác hẳn Paris trong các tấm bưu ảnh. Đó là một Paris đầy rác, đồ vật cồng kềnh vứt ngổn ngang trên vỉa hè, vướng víu lối đi, các thùng rác đầy ứ, đầu mẩu thuốc lá la liệt, ghế băng bụi bẩn, nhiều nơi bốc mùi xú uế, phân chim bồ câu, phân chó vương vãi, chuột chạy loăng quăng …
Tuy nhiên, dường như mọi chuyện vẫn không được giải quyết triệt để. Paris vẫn bẩn. Rác thải vẫn là một vấn nạn của thành phố. Theo một thăm dò ý kiến của Ifop hồi tháng 04/2016, 61% số người được hỏi không hài lòng về công tác vệ sinh môi trường của chính quyền thành phố, con số này chỉ là 57% vào năm 2015.
Theo số liệu của chính quyền thành phố, mỗi ngày có 2.900 km vỉa hè cần được quét dọn, 30.000 thùng rác trên các tuyến phố cần được thay 1-3 lần/ngày. 1.600 km đường phố được hút bụi và phun nước cọ rửa ít nhất 1 lần/tuần. Ngoài ra, còn phải dọn dẹp vệ sinh sau mỗi phiên chợ trong từng khu vực. Chợ phiên Paris thường hợp 2-3 lần/tuần.
Các con đường có mật độ xe cộ lưu thông cao như các đường vành đai, đường cao tốc và các đường hầm thường được cọ rửa vào ban đêm, khi ít người qua lại, từng đoạn một để tránh gây tắc nghẽn, ảnh hưởng tới giao thông. Kể cả các kè sông Seine cũng được phun nước cọ rửa hàng tuần. Các con đường ven bờ sông Seine còn được cọ rửa kỹ lưỡng 1 lần/tháng và sau mỗi đợt nước lũ tràn bờ.
Các công việc dọn dẹp vệ sinh cũng phải thích nghi với các mùa trong năm. Chẳng hạn, vào mùa thu, lá cây rơi đầy, nhân viên vệ sinh thành phố cần tăng cường quét dọn lá. Vào mùa đông, nếu tuyết rơi, họ lại phải đi dọn tuyết. Và sau mỗi cuộc tuần hành, biểu tình, các sự kiện văn hóa, ca nhạc, thể thao lớn, nhân viên vệ sinh của Paris lại nhanh chóng xử lý một khối lượng rác khổng lồ. Rồi nếu chẳng may xảy ra các vụ tai nạn, đội vệ sinh của thành phố cũng được điều đến hiện trường để dọn dẹp.
Nhiều nhân viên vệ sinh môi trường than phiền là mặc dù họ đã cố gắng hết sức, nhưng mật độ dân cư quá cao và số lượng du khách quá đông, thêm vào đó là sự vô ý thức của nhiều người, nên thành phố không thể sạch sẽ được.
Để nâng cao ý thức của người dân, đảm bảo Paris được sạch sẽ, gọn gàng hơn, và cũng để có thêm kinh phí cho công tác vệ sinh môi trường, chính quyền thành phố Paris hồi tháng 09/2016 đã thành lập đội nhân viên chuyên đi xử phạt các hành vi ý vô thức. Ông Emmanuel Grégoire, Trợ lý Thị trưởng Paris giải thích: Đối với các hành vi vứt đầu mẩu thuốc lá, vứt rác bừa bãi, tè bậy, … chỉ nhắc nhở thôi thì không ăn thua. Đã đến lúc chúng tôi phải sử dụng biện pháp phạt tiền”.
Trong năm 2017, theo số liệu chính thức của chính quyền thành phố,hơn 80.000 vụ vi phạm quy định vệ sinh của Paris đã bị xử phạt tiền. Con số này tăng 67% so với năm 2016.
Vào tháng 03/2017, thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo 10 biện pháp tăng cường để cải thiện tình trạng vệ sinh của thành phố, chẳng hạn tuyển thêm nhân viên dọn dẹp vệ sinh, nâng tổng sĩ số nhân viên các đơn vị vệ sinh lên 7.000 người vào cuối năm, mở rộng thêm giờ thu dọn rác từ buổi chiều đến tận nửa đêm vào mùa hè, thay vì chỉ thu dọn rác vào sáng sớm như trước đây. 11 triệu euro cũng được đầu tư để diệt chuột. Thành phố cũng dành 22 triệu euro để mua thêm các xe hút bụi và cọ rửa đường phố ít gây ồn và không chạy bằng dầu diesel để hạn chế gây ô nhiễm âm thanh và không khí.
Và đặc biệt, các vụ xử phạt hành vi thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì hiện nay đội nhân viên chuyên đi xử phạt các hành vi ý vô thức mới chỉ có 1.900 người, nhưng thành phố đã lên kế hoạch tăng cường thêm 1.600 nhân viên cho đội quân này, nâng tổng sĩ số đội quân lên 3.500 người.
Mục tiêu của chính quyền thành phố là biến Paris thành một “thành phố sạch”, xứng tầm với một thành phố vốn được tôn vinh là “thành phố đẹp nhất thế giới”.
Linh Đức