Phát hiện lý thú về “dấu chân ngựa sắt Thánh Gióng”
SK&MT - Hiện nay, các hố nhỏ theo truyền thuyết là "dấu chân ngựa Gióng" còn thấy rất nhiều trên thực tế ở khu vực Đông Anh (Hà Nội) và Quế Võ (Bắc Ninh). Dưới con mắt của những người làm công tác khoa học tự nhiên, Kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Tùng, lại cho rằng, đó là những dấu vết của trận oanh tạc thiên thạch ? Sức khỏe & Môi trường xin trích đăng nguyên bài viết của nhà nghiên cứu.
“Dấu chân ngựa Gióng”
Từ xưa đến nay, rất nhiều người chỉ nghe hay hiểu về các "dấu chân ngựa Gióng" qua truyền thuyết, qua các câu chuyện lịch sử gắn với câu chuyện "Thánh Gióng" đánh giặc Ân (Thương) bên Trung Quốc. Nhà Thương (theo sách "Lịch sử Trung Quốc 5000" năm của tác giả Lâm Hán Đạt và Tào Hán Chương, Nhà sách Kiến thức biên dịch và phát hành năm 2007) là triều đại tồn tại từ TK16-11 trước Công Nguyên, cách ngày nay khoảng 32-37 thế kỷ. Nghĩa là, câu chuyện gắn với truyền thuyết này có từ khi cha ông ta chưa hề có chữ viết, còn đang sống trong xã hội Phong kiến sơ khai. Mọi chuyện đều chỉ có truyền miệng và được hư cấu nên để khích lệ tinh thần quật cường của dân tộc chống giặc Hán xâm lược. Và trong các câu chuyện này, "dấu chân ngựa Gióng" hầu như chỉ được nhắc tới vùng Phù Đổng (Gia Lâm), Uy Nỗ (Đông Anh) và núi Vệ Linh (Sóc Sơn) thuộc vùng đất Hà Nội hiện nay.
Năm 2012, tôi đi tìm hiểu thêm về "Dấu chân ngựa Gióng" và thấy ở vùng Quế Võ-Bắc Ninh cũng có câu chuyện "Ngựa Gióng". Qua công nghệ mới bằng cách xem ảnh vũ trụ của Wikimapia trên Internet, dễ dàng thấy rõ ở phía Nam thị trấn Phố Mới-Quế Võ (Bắc Ninh) cũng có các vết tích giống như vùng Đông Anh-Hà Nội. Theo tìm hiểu của tôi, vùng Uy Nỗ-Xuân Nộn-Liên Hà (Đông Anh) phân bố rất nhiều hố nhỏ chứa nước. Người dân địa phương cho rằng, trước đây có 316 hố nước trên các cánh đồng khu vực các xã này. Nhiều nhất là cánh đồng Kim Lớn xã Xuân Nộn với số lượng hơn 160 hố, đồng Kim Nhỏ có 7 hố; số còn lại bên Uy Nỗ, Việt Hùng và Liên Hà. Ngày nay, với sự bồi lắng tự nhiên và do con người tác động, các hố dần mất đi hoặc thu hẹp lại. Nhiều hố phân bố trong các làng xóm đã bị dân lấp dần làm nơi sinh sống. Tuy nhiên, khu vực cánh đồng Kim lớn phía Đông Xí nghiệp nước sạch Đông Anh vẫn còn quan sát thấy rất nhiều hố nước hoặc hố trũng mọc đầy cỏ, bèo tây...
Tháng 10-2014, tôi trở về Đông Anh khảo sát lại khu vực này. So với cách đây 2 năm, một số hố đã bị cỏ mọc phủ kín nhưng vẫn thấy khác biệt với đất ruộng đang canh tác. Các hố có hình dạng và độ lớn khác nhau từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông, phân bố không theo quy luật, nằm trên các cánh đồng không có dân cư sinh sống. Từng khu ruộng có chỗ nhiều, chỗ ít hố, chúng nằm gần sát nhau hoặc nằm riêng biệt. Có hố nước đã được sửa sang lại cho thành hình đa giác, nhiều hố vẫn còn dạng méo mó gần giống như thời cổ xưa.
Nguyên nhân là mùa Đông năm 1957, cả vùng Đông Anh bị hạn hán nặng, bộ đội cụ Hồ được đưa về đào sâu và sửa sang các hố lấy nước tưới cho ruộng đồng vùng Uy Nỗ (hiện còn tấm bia ghi rõ việc này tại gần Xí nghiệp nước sạch Đông Anh). Đáng lưu ý là tại đây các hố khá nông, nước ngập chỉ 0,3-0,5m, dưới sâu toàn đất bùn nhão dày 0,5m. Trải qua hàng ngàn năm ở đồng bằng, các hố không có bờ ngăn bị đất bồi lắng lấp dần nhưng nay vẫn còn nhiều. Hầu như các hố đều không có bờ với ruộng, đôi nơi hố được sửa sang lại cho khỏi sụt đất trồng. Quan sát thấy đất ruộng và đất quanh hố không có sự khác biệt nào, vẫn chỉ toàn một loại đất thổ nhưỡng màu nâu nhạt xen sét xám sáng, có tuổi Holocene muộn (Q23), cách ngày nay vài nghìn năm. Duy nhất có 1 hố rất lớn nhân dân địa phương gọi là Vực nước ở phía Nam nhà máy nước sạch Đông Anh, diện tích hố tới >5ha.
Phía Tây Bắc vực có độ sâu hơn 10m, dùng máy bơm hút cũng không cạn. Người dân địa phương cho rằng Vực nước "liên quan đến thủy triều" vì nước hút gần cạn lại đầy, dưới sâu có thấy than bùn và thân cây màu đen. Tuy nhiên, theo tôi thì, hố sâu này từng là nơi tích tụ của các thân cây gỗ cổ, bị bùn sét lấp phân hóa mục nát thành than bùn. Hố diện tích lớn, độ sâu xuyên qua tầng cát chứa nước ngầm nên không thể tát cạn nước. Các hố tập trung ở phía Đông thị trấn Đông Anh, kéo dài thưa dần lên phía Tây Bắc, qua các xã Phủ Lỗ, Đồng Xuân, Mai Đình, Tiên Dược về núi Vệ Linh của huyện Sóc Sơn. Chắc chắn, nơi cư dân hiện đang sinh sống cũng có nhiều hố nhưng con người đã lấp dần, nay chỉ thấy rõ ở ngoài cánh đồng trống hiện đang canh tác.
Dấu tích trận oanh tạc thiên thạch ?
Ngày nay với phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, ảnh vệ tinh được chụp liên tục vài ngày một lần nên ta có rất nhiều thông tin, từ đó cho phép quan sát sự thay đổi bề mặt Trái Đất và diện mạo của nó. Những hố nước theo truyền thuyết gọi là "Dấu chân ngựa Gióng" được nhìn thấy rõ ràng về sự phân bố, mật độ, diện tích và có thể đếm được số lượng hố trên từng khu vực. Vì vậy, có thể khẳng định ban đầu về nguồn gốc những hố tự nhiên này thực chất là vết tích trận oanh tạc của thiên thạch (Meteorite) xuống đồng bằng Bắc Bộ từ rất xa xưa, khi vùng đất này đã hình thành nên phần đầu của châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Các hố được thành tạo tự nhiên, có thể thêm tác động của con người sau này nhưng nguồn gốc nhất định là do thiên nhiên tạo ra.
Không chỉ ở đất Hà Nội, tại xung quanh thị trấn Phố Mới (Quế Võ-Bắc Ninh) qua ảnh vệ tinh cũng quan sát thấy nhiều vết tích các hố có nguồn gốc tương tự như vùng Đông Anh và Sóc Sơn (Hà Nội). Hiện nay, còn quan sát thấy nhiều nhất là ở rìa sát phía Nam thị trấn, cánh đồng phía Nam làng Mao Lại và Đông Nam làng Mao Yên. Cách đây 2 năm, quanh vùng thị trấn Phố Mới còn quan sát thấy nhiều vết hố cổ, nay do san lấp đất làm đô thị mới nên chỉ quan sát rõ được ở khu vực nêu trên. Vùng xung quanh nhà máy kính Việt Nhật (Phố Mới) vốn có nhiều hố cổ nay bị san lấp không còn dấu vết. Sự đô thị hóa vùng này đã xóa nhòa hàng trăm dấu vết cổ xưa cần được nghiên cứu.
Có thể những cái hố này là do trận oanh tạc của các thiên thạch ?
Hai vùng này đều do thiên thạch rơi xuống, có thể chúng được tách ra từ một viên lớn khi bay lạc vào trong bầu khí quyển Trái Đất, hoặc do một phần đuôi sao Chổi quệt phải khi bay ngang qua. Một số tên địa phương cũ như Làng Cháy, rừng cháy, bụi tre cháy (tre Đằng Ngà) vẫn còn truyền lại đến ngày nay cũng phần nào nói lên nguồn gốc của chúng. Vì vậy, khi nghiên cứu vấn đề này cần lưu ý đến tác động của chúng đối với xã hội ta hiện nay, tránh để kẻ xấu có thể lợi dụng khoa học, lừa đảo những người không hiểu biết các Khoa học về Trái Đất. Được biết, thiên thạch (Meteorite) có giá trị rất lớn trên thị trường “chợ đen” quốc tế. Nhiều người ở khu vực TP Hồ Chí Minh đã bị lừa đảo đến sạt nghiệp, mất hàng chục tỷ đồng về mua bán thiên thạch kiếm lời.
Rất cần có sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học và các Bộ, Ngành chủ quản, các nhà nghiên cứu Khoa học về Trái Đất. Cần phải đầu tư nghiên cứu đồng bộ về Địa chất, Địa Mạo, Đất Thổ nhưỡng, về Lịch sử, Địa Vật lý, Sinh học và Môi trường... để đánh giá đúng về nguồn gốc các hố này, về sự tác động tự nhiên của chúng với cộng đồng dân cư và xã hội chúng ta.
Thế Hoàng lược ghi theo KS Nguyễn Văn Tùng