Phát triển rừng bền vững gắn với du lịch cộng đồng
Hai cây pơ mu khổng lồ, thân thẳng, cao vút, tạo nên một vẻ đẹp tráng lệ trong rừng già.
Đắm mình trong “rừng già” hoang dã
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên nằm trên thượng nguồn sông Chu, thuộc địa phận 4 xã và 1 thị trấn: Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Thị trấn Thường Xuân, Vạn Xuân (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), nổi tiếng với hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Ngoài những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi được ghi vào Sách đỏ, rừng Xuân Liên còn có nhiều loài phong lan rực rỡ và hàng trăm loại cây dược liệu quý khác.
Qủa là ngây ngất khi được đắm mình trong thế giới hoang dã tại bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây được thiên nhiên bao bọc và ẩn chứa những kỳ quan. Hệ thống cây di sản gồm Pơ mu, Sa mu tuyệt bích với đường kính lên tới gần 3,9 mét và cao hơn 44 mét đứng sừng sững như cột chống trời, camera từ điện thoại và ống kính máy ảnh khó lòng “bao trọn” được gốc lớn. Thân cây khổng lồ được bao quanh bởi rêu mốc và cành tán bát ngát lồng vào mây trời.
Cán bộ kiểm lâm Trạm bản Vịn (Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên) thường xuyên kiểm tra, phát quang bụi rậm quanh khu vực cây di sản.
Ngoài các cây được tôn vinh, cả rừng Sa mu, Pơ mu khổng lồ khác với nhiều quần thể đứng như xếp hàng ở cách đó không xa, cũng đã được ghi nhận và có kế hoạch bảo vệ đặc biệt ở các độ cao từ 700 mét đến cả hơn nghìn mét so với mực nước biển.
Theo đó, các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản đã khoan những lỗ nhỏ xuyên tâm bậc đại thụ và kết luận sơ bộ rằng các “lão mộc tinh” có độ tuổi khoảng 1.500 năm. Nhiều lão to cao quá, lại chứa sẵn dầu – nhựa trong thân, cành, lá nên đã bị sét đánh cháy và chết. Bà con người Thái tại bản Vịn tiếc xót kể lại điều này mà bất giác ao ước: “Nên chăng dựng cột thu lôi cả vệ các cụ cả thiên niên kỷ tuổi trước khi quá muộn?”.
Đường đi vào rừng đủ lại kỳ hoa dị thảo phơi bày, chim chóc véo von, côn trùng đủ loại kỳ thú. Đây là quê hương của những đàn Voọc xám (Trachypithecus crepusculus), và Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) quý hiếm. Hơn thế, nơi đây còn có sự xuất hiện của loài Mang Roosevelt (Muntiacus rooseveltorum) – một loài đã được coi là tuyệt chủng hàng trăm năm nay lại được “tái phát hiện” tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên.
Nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên du lịch nơi đây có tiềm năng vô tận để phát triển các hoạt động vui chơi giải trí, thư giãn và có sức hấp dẫn du khách rất lớn.
Cán bộ kiểm lâm Trạm bản Vịn và người dân tuần tra bảo vệ rừng.
Tạo sinh kế cho người dân từ du lịch
Chúng tôi đến với điểm du lịch cộng đồng tại bản Vịn, xã Bát Mọt và được chiêm ngưỡng những nét văn hóa độc đáo vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn nơi đây. Phong trào làm homestay ở cái bản nhỏ tít tắp phía sau núi cao và mây mù này đang rất phát triển. Hai năm trước đại dịch, các hộ dân tại đây (phần lớn đều là dân tộc Thái) đã được chính quyền huyện Thường Xuân hướng tới mô hình làm du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Được sự khuyến khích và giúp đỡ của huyện, đồng thời có sự chung tay góp sức của cán bộ kiểm lâm nơi đây, 10 hộ dân bản Vịn đã tham gia phong trào làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển rừng, phát huy những giá trị văn hóa, di sản, khai thác hiệu quả tiềm năng.
Là 1 trong 10 homestay hoạt động tại bản Vịn, ông Lang Văn Hoàn chia sẻ, từ khi làm homestay đón khách du lịch, ngoài việc chăn nuôi gia súc và làm nông nghiệp, gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập từ mô hình homestay. Chỉ mong bản Vịn được biết đến nhiều hơn để người dân nơi đây được phát triển thêm về kinh tế.
Nhà sàn - nét văn hoá riêng của dân tộc Thái đang có những biến đổi rõ rệt nhằm đảm bảo sinh thái và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ngoài việc kinh doanh homestay, người dân tại bản Vịn luôn có ý thức cùng cán bộ kiểm lâm giữ gìn và bảo vệ rừng. Nhờ sự tuyên truyền mạnh mẽ từ chính quyền địa phương, bản Vịn dường như chung sống, hòa mình cùng thiên nhiên và động vật hoang dã, không còn tình trạng săn bắt thú rừng, chặt phá rừng tràn lan.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nhiều phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo, bản Vịn thật sự là miền cổ tích còn sót lại của thiên nhiên, chờ đợi sự khám phá của những người yêu non cao, yêu văn hóa.
Cây pơ mu di sản, đường kính 3,9m; ước tính hơn 1.500 năm tuổi.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn liền với bản sắc văn hóa các dân tộc, thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Để du lịch cộng đồng phát triển mạnh, trở thành sinh kế bền vững cho người dân, bản Vịn nói riêng và Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nói chung cần các nhà đầu tư xứng tầm và tâm huyết.
LAM ANH