Quảng Bình: Khai thác đất mặt ruộng trái phép gây ô nhiễm môi trường
Hoạt động khai thác đất ruộng ngang nhiên giữa ban ngày. |
Thực hiện chuyên đề: “ Bảo vệ môi trường nông thôn”, nhận được phản ánh của người dân thôn Mỹ Trạch (xã Mỹ Thủy- H. Lệ Thủy) về việc khai thác, vận chuyển đất ruộng trái phép xảy ra một cách công khai làm thay đổi, suy thoái đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường trên các tuyến đường. Điều đáng nói các phương tiện vận chuyển đất nơi đây là các phương tiện tự chế, nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn nhưng không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Ngày 31/8, phóng viên tạp chí Sức khỏe và Môi trường (PV) đã có mặt tại thôn Mỹ Trạch ghi nhận thực tế, theo quan sát ngay trên ruộng lúa có 1 máy múc đang hoạt động múc đất từ đồng ruộng lên 2 xe tự chế. Sau khi múc đầy đất, 2 xe tự chế nối đuôi nhau băng qua cánh đồng và vận chuyển đến đổ các nhà dân.
Những vết xe chạy và đất rơi vãi trên đường ra đồng ruộng. |
Các phương tiện chở vượt thùng và che đậy sơ sài di chuyển qua các tuyến đường trên địa bàn thôn Mỹ Trạch. |
Quá trình vận chuyển, các xe tự chế đều chở đầy đất và che đậy sơ sài nên làm đất rơi vương vãi, bụi bặm gây ảnh hưởng đến môi trường, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Hàng trăm khối đất ruộng đang tập kết ngổn ngang tại nhà của các hộ dân, sân bóng gần khu vực khai thác. |
Theo chân những chuyến xe, dọc theo hai bên đường là những bãi đất ruộng đang được tập kết ngồn ngang tại nhà các nhà dân, sân bóng…Trong vai người có nhu cầu mua đất, PV trò chuyện với chủ nhà mà các xe đất vừa vận chuyển đến, người này cho biết: “Mỗi chuyến xe đất như vậy có giá 350 – 400 nghìn đồng, nhà nào củng đổ ít nhất vài xe, tùy theo nhu cầu của mỗi nhà, có nhà kia mới đổ 5-7 xe đó”.
Ngôi nhà mới đổ theo lời người dân vừa kể có 3 người đang cuốc và đập đất để san ra vườn, khi được hỏi giá mỗi chuyến xe bao nhiêu thì chủ nhà cho biết giá mỗi xe là 400 nghìn đồng và gia đình vừa đổ số lượng 5-6 xe.
Khi PV ngỏ lời muốn mua vài chục xe đất với lái xe thì người này cho biết là đất không phải lúc nào củng có. Khi được PV hỏi đất này múc có xin phép ai chưa thì lái xe cho biết đã xin phép trưởng thôn Mỹ Trạch.
Tuy nhiên, khi PV trao đổi với ông Hoàng Văn Hưng – trưởng thôn Mỹ Trạch thì ông cho biết: “Xóm đó có mấy tấm ruộng bậc thang nên xin cải tạo để đắp đường ra đồng ruộng, còn chuyện chở đất đi ra ngoài thì thôn không cho phép, còn đất chở đó là của lái xe chở từ thôn Mỹ Hà về bán ở thôn Mỹ Trạch”.
Khi được hỏi quá trình cải tạo đồng ruộng để đắp đường có xin phép ai chưa? Ông Hưng trả lời có làm đơn xin xã nhưng xã không cho? PV hỏi rằng sao xã không cho phép cải tạo đồng ruộng nhưng thôn vẫn làm thì ông Hưng im lặng.
Đất được bán cho các hộ dân tại thôn Mỹ Trạch với giá 350-400 nghìn đồng/chuyến xe. |
Xác nhận tại thực địa với PV, ông Trần Quốc Tài – địa chính xây dựng xã Mỹ Thủy xác nhận vị trí thửa đất khai thác thuộc vị trí thôn Mỹ Trạch chứ không phải thôn Mỹ Hà như ông Hưng nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Tùng – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy cho biết: “Bên thôn Mỹ Trạch có xin phép cải tạo đồng ruộng tuy nhiên xã không cho phép, trường hợp này xã sẽ mời trưởng thôn và giao công an mời chủ xe lên làm việc. Trước đây, nhiều lần có thông tin phản ánh của người dân về việc khai thác trộm đất vào ban đêm nhưng khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì các xe vi phạm chỉ đậu một bên đường chứ không ở khu vực khai thác nên không làm gì được”.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, lớp đất mặt ruộng là một phần rất quan trọng, có độ phì nhiêu, giữ nước và chất dinh dưỡng cao giúp cho cây lúa phát triển tốt. Vì vậy, việc khai thác đất mặt ruộng không đúng sẽ làm biến dạng địa hình, gây khó khăn cho điều tiết nước, làm suy giảm chất lượng đất, đất dễ thái hóa. Ngoài ra, việc khai thác lớp đất mặt ruộng trái phép không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường.
Việc vi phạm pháp luật đã rõ, để tránh vụ việc trạng lan rộng, khó kiểm soát gây bức xúc cho dư luận cần được sự vào cuộc của các cấp, ngành tăng cường các biện pháp quản lý góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên địa bàn.