Tem giấy - ma túy kiểu mới hủy hoại giới trẻ ra sao
(SK&MT) - Tem giấy còn được gọi là bùa lưỡi, thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD, gây ra ảo giác, hoang tưởng, kích động hành vi người dùng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện tâm thần TP HCM, cho biết từng điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị nghiện tem giấy. Em này là học sinh cấp 3 có triệu chứng ảo thị và rối loạn giấc ngủ sau một thời gian "chơi tem". Bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc và áp dụng các liệu pháp cai nghiện ma túy. Sau 2 lần điều trị, chất gây nghiện LSD được đào thải dần khỏi cơ thể em, triệu chứng ảo giác và rối loạn giấc ngủ đã thuyên giảm. Bác sĩ dặn dò người nhà theo dõi sát bệnh nhân để tránh nguy cơ tái nghiện sẽ rất khó điều trị.
Bác sĩ Hiển giải thích tem giấy là một loại ma túy mới nổi. Nó còn có tên tiếng lóng khác là “bùa lưỡi” bởi được sử dụng bằng cách le lưỡi liếm như dán tem. Hiện nay tem giấy được bán dưới hình thức những miếng giấy nhỏ như con tem, xuất hiện ở nhiều trường học trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn và được học trò "chơi".
Tem giấy thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Chất gây nghiện này tái xuất hiện trong thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) thế giới ngầm đã ngưng sản xuất. Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ vài chục mcg là có thể gây ảo giác nên được xem chất ma túy nguy hiểm nhất.
Ma túy ngụy trang trong những tờ tem giấy nhiều màu sắc được bán trước một số trường học. Ảnh: T.H. |
Theo bác sĩ Hiển, về cơ bản có 4 tiêu chí chính để xác định một chất ma túy. Đó là một chất có thể gây nghiện; Có thể gây tác hại trên tâm thần, thần kinh và thể chất; Sử dụng có xu hướng tăng liều; Là chất bị cấm bởi luật pháp nước sở tại.
Ma túy chia làm 2 nhóm:
Nhóm thứ nhất gây ức chế trầm dịu bao gồm nhựa thuốc phiện/morphin (là thành phần chính và gây hoạt tính trong nhựa thuốc phiện), heroin (diacetyl morphine), các thuốc giảm đau được dùng hạn chế với mục đích y học như pethidine (dolargan), fentanyl (durogesic)…
Nhóm thứ hai gây kích thích thần kinh, gồm tất cả các nhóm còn lại như amphetamine và các dẫn xuất của methamphetamine (MDMA, MDEA, MMDA, DOM, có trong thuốc lắc), cocain chiết xuất từ lá cây erythroxylon coca, các thuốc gây ảo giác như LSD, Mescaline, PCP, cần sa và cần sa mới (cỏ Mỹ), muối tắm (mephedrone, cathinone) chiết xuất từ lá cây khat.
Do tác động trên hệ thần kinh nên ma túy có thể khiến người sử dụng bị mất ngủ sau khi dùng đối với nhóm kích thích thần kinh và gây ngủ bù sau thời gian mất ngủ. Bên cạnh đó là các triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng, kích động hành vi. Sử dụng lâu ngày có thể làm biến đổi nhân cách, tiêu tốn nhiều tiền và mất khả năng học tập, làm việc, trộm cướp để có tiền thỏa mãn cơn nghiện.
Hiện nay việc cai nghiện các loại ma túy này chủ yếu dừng lại ở điều trị triệu chứng (như ảo giác) chứ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các trường hợp nghiện nhẹ, tuân thủ điều trị và không tái nghiện thì sau một thời gian, chất LSD sẽ đào thải hết khỏi cơ thể. Với các bệnh nhân nặng hơn thì cần phải có liệu trình dài hơn.
Bác sĩ Hiển nhìn nhận, trong lịch sử phát triển của các chất ma túy, thế giới ngầm luôn đi trước luật pháp và các nhà quản lý một bước, luôn tìm cách lách luật một cách khôn ngoan. Khi luật pháp cấm chất này họ sẽ tìm ra chất khác thay thế chưa bị ngăn cấm. "Các loại ma túy mới nổi như tem giấy, muối tắm, cỏ Mỹ... được ngụy trang trong các món đồ chơi trẻ em hoặc thảo dược khô với diện mạo rất hiền lành nên khó bị cơ quan chức năng phát hiện", bác sĩ Hiển cho biết.
Điều đáng lo ngại là các loại ma túy mới trên không cho kết quả dương tính với các test nhanh phát hiện chất ma túy hiện có tại Việt Nam nên trở thành thách thức đối với công tác phòng chống ma túy. Theo bác sĩ Hiển, trong bối cảnh hiểm họa ma túy mới, cuộc chiến với ma túy còn dài và không có hồi kết. Trong khi chờ các cơ quan chức năng đề ra những phương án chế tài xử phạt đối với tội phạm sản xuất và vận chuyển ma túy thì phụ huynh và thầy cô cần chủ động giáo dục cho thế hệ trẻ nhận biết để tránh. "Hầu hết tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò thử cho biết của tuổi mới lớn", bác sĩ nhấn mạnh.
Trần Ngoan