Tháng 7 nghĩa tình, tháng 7 tri ân
Sau những tháng 7 nghĩa tình và tri ân đến Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, tháng 7/2024 này, Đoàn thiện nguyện CLB Nhà báo nữ Việt Nam (NBN VN) đến với các cựu nữ TNXP có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nhân kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7/1950 – 15/7/2024).
Trước khi đến gặp gỡ với các cựu nữ TNXP huyện Gia Viễn, Đoàn đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Viễn, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. 21 tấm bia ghi rõ tên của các liệt sĩ của 21 xã trong huyện, nhưng trên các phần mộ vẫn còn một số ngôi “Chưa xác định được thông tin”.
Bà Lê Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tình Ninh Bình cho biết, Ninh Bình có hàng vạn TNXP, hiện có trên 4.000 hội viên, thì có 536 TNXP bị thương được công nhận như thương binh; 2.676 TNXP được hưởng chế độ một lần; 70 cựu TNXP hưởng chế độ hàng tháng; 260 TNXP hưởng chế độ chất độc màu da cam; hơn 2.000 TNXP được cấp thẻ bảo hiểm y tế; TNXP qua đời đều được giải quyết chế độ mai táng phí kịp thời. Đặc biệt, có 137 TNXP hy sinh được công nhận liệt sĩ.
Ông Trần Xuân Thỏa, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Gia Viễn chia sẻ với chúng tôi: Huyện Gia Viễn có 638 cựu TNXP thì 287 trong số đó là phụ nữ. Nhiều chị em có hoàn cảnh rất khó khăn, bệnh tật ốm đau, trong đó có 17 chị độc thân. Bà Phan Thị Nhân, Phó Chủ tịch phụ trách công tác nữ của Hội cựu TNXP Gia Viễn cho biết thêm: Nhiều trường hợp chị em đáng thương lắm. Đợt nhận quà lần này của Đoàn thiện nguyện CLB Nhà báo nữ Việt Nam, 50 chị được chọn đã là niềm vui lớn của Hội chúng tôi, vì chưa có lần nào được nhiều chị nhận quà như thế này, dù còn nhiều chị nữa cũng khó khăn.
Tâm sự với các chị, thật thương cảm. Chị Đặng Thị Sạo, 78 tuổi, độc thân, đi TNXP từ năm 1964 đến 1974, từng đánh mìn bạt núi lấy đá làm đường từ Lạng Sơn, Hà Giang, đến Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, cứ vừa nói vừa gạt nước mắt: Ra khỏi TNXP được cấp 300 đồng thôi các cô ạ, từ bấy đến nay chẳng có thu nhập nào ngoài những năm đi làm giúp việc ở Hà Nội. Cảm ơn các cô lắm lắm, nhờ có cuộc gặp này mà chúng tôi được nhận quà quý và 3 chj em chúng tôi ngày xưa cùng ở địa chỉ Hòm thư 110 hôm nay mới được gặp nhau.
Hai người đồng đội đồng niên của chị chính là chị Vũ Thị Não và Nguyễn Thị Yến. Chị Não (cũng độc thân như chị Sạo) nói: Ngày xưa chúng tôi gian khổ lắm nhưng cũng vui lắm. Tuổi trẻ vượt qua hết. Hôm nay chị em gặp nhau lại có dịp nhớ về thời thanh xuân. Giờ già yếu, bệnh tật, quanh quẩn ruộng vườn ở nhà một mình, rau cháo qua ngày thôi...
Thương không thể kể hết. Những món quà mà chúng tôi mang tặng các chị hôm nay dù đã hết sức cố gắng, biết là chẳng thấm tháp gì (mỗi chị chỉ là 1 triệu đồng tiền mặt, riêng 2 chị trên 90 tuổi mỗi chị 3 triệu đồng, cùng một số hiện vật khác như khăn, chăn, nón…) nhưng hy vọng cũng mang một chút niềm vui nho nhỏ đến các chị. Chị Vũ Thị Huế còn thật thà phát biểu: 50 năm nay chưa có bao giờ chúng tôi nhận được món quà lớn như thế này.
50 chị trong danh sách nhận quà hôm nay thì ngoài 2 chị tuổi quá cao (90 và 92 tuổi) còn nhiều chị khác bệnh tật đau yếu cũng không thể đến trực tiếp. Mân mê chiếc nón Chuông lá già chằm dày dặn và quang dầu bóng, chị Vũ Thị Não nói: Chiếc nón này chị em chúng tôi dùng hết đời cũng không hỏng.
Liệu còn được bao năm nữa, khi các chị đều đã U90, U80? Số cựu nữ TNXP cứ giảm dần, giảm dần, nay chỉ còn một nửa, số nửa kia đã về cõi người hiền cả rồi. Cho nên, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung – Trưởng Đoàn thiện nguyện CLB Nhà báo nữ Việt Nam vẫn nói với chúng tôi: Nghĩa tình tri ân với các cựu nữ TNXP, không phải bây giờ thì đợi đến bao giở? Lúc nào cũng là muộn.
Niềm xúc động cứ dâng trào trong chúng tôi suốt buổi lễ trao quà. May mà, cuối cùng, tiếng hát của nữ cựu TNXP 80 tuổi Vũ Thị Huế sau khi nói lời cảm ơn, đã làm chúng tôi thấy nhẹ lòng bớt. “Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời, bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh…”
Hẹn nhau nhé, năm sau, tháng 7 nghĩa tình, tháng 7 tri ân.