Thủ tướng chỉ đạo giảm thủ tục hành chính trong hoạt động của doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát và cương quyết ngay trong năm 2014 giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, giải thể doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết từ năm 2007 cả nước đã thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu của doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa” liên thông. Theo cơ chế này, tổ chức, cá nhân đăng lý thành lập doanh nghiệp chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất, tại một đầu mối tiếp nhận duy nhất để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và một mã số doanh nghiệp duy nhất trên một quy trình chuẩn thống nhất trong phạm vi cả nước. Cơ chế một cửa đã giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện 3 thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống còn tối đa 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến nay); trong đó, thời gian cơ quan thuế cấp mã số doanh nghiệp là 2 ngày làm việc và thời gian cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ, trả kết quả cho doanh nghiệp là 3 ngày làm việc. Trên thực tế, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp là 4 ngày làm việc, trong đó có 18 tỉnh dưới 2 ngày. Báo cáo kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước được đánh giá có cải cách mạnh mẽ nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng 16 bậc. Còn theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về sự hài lòng của doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành (chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh PCI), cộng đồng doanh nghiệp luôn đánh giá lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp xếp thứ nhất về mức độ hài lòng so với lĩnh vực khác. Chỉ số này luôn tăng từ năm 2006 và đạt số điểm là 8,59/10 vào năm 2013.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác đăng ký kinh doanh vẫn tồn tại một số hạn chế cả về quy định pháp lý và tổ chức thực hiện, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng rủi ro và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giảm tính chủ động, linh hoạt, hạn chế cơ hội kinh doanh cũng như cản trở quá trình rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp. Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thành lập, giải thể doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt các kiến nghị để giảm thủ tục cũng như thời gian. Chẳng hạn giải pháp liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh với thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, khắc dấu dự kiến sẽ giảm được 50% số thủ tục và thời gian khởi sự doanh nghiệp chỉ còn 5 ngày thay vì 16 ngày, tương đương với các nước trong OECD (5 ngày); cao hơn các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (7 ngày), ASEAN + Trung Quốc và Timor Leste (9 ngày). Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung phát biểu tại cuộc làm việc thì nếu cải cách này được thực hiện, chỉ số khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tăng khoảng 50 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, đứng ở vị trí 60/189 quốc gia, cao hơn chỉ số của 6 nước ASEAN (đứng thứ 90). Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, khả năng để tiếp tục giảm nữa về số thủ tục và thời gian là hoàn toàn có thể và nếu như không cần quy định một số thủ tục về nộp thuế môn bài, mua hóa đơn, mở tài khoản ngân hàng, khắc dấu .v.v.. thì tối đa còn lại chỉ là 3 thủ tục, đứng Top đầu thế giới về khởi sự doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc, ý kiến của các Bộ Tài chính, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Công an cho thấy nếu tiếp tục rà soát thì có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa nhiều thủ tục và quy trình khác liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Chẳng hạn như sử dụng mã số doanh nghiệp là mã số chung duy nhất; sử dụng chữ ký số thay cho con dấu (hiện đã cấp 410.000 chữ ký số trên 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động); thực hiện mua hóa đơn trong 1 ngày theo Quy định của Nghị định 51; bỏ thuế môn bài; bỏ quy định mua hóa đơn và nộp thế đối với người cho thuê nhà (cả nước hiện có khoảng 85.000-90.000 người cho thê nhà); giảm thủ tục và cải tiến quy trình thủ tục liên quan đến đất đai; giảm thời gian tiếp cận điện (giảm từ 132 ngày xuống 37 ngày); giảm thời gian cấp phép đầu tư xây dựng (nếu hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi cả nước sẽ giảm từ 190 ngày xuống 45 ngày).
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ trong lĩnh vực khởi sự doanh nghiệp, đăng ký thay đổi bổ sung ngành nghề kinh doanh, giải thể doanh nghiệp, chứng nhận đầu tư và thực hiện hoạt động đầu tư. Thủ tướng cũng đánh giá cao những đề xuất mạnh mẽ của các Bộ, ngành liên quan trong việc cải cách thủ tục hành chính trong mọi khâu của hoạt động doanh nghiệp. “Cải cách không phải là bỏ vai trò quản lý Nhà nước, mà là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư, kinh doanh. Cải cách là để hiện thực hóa tư tưởng của Hiến pháp là người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; hiện thực hóa tinh thần Nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước phục vụ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới vận động, phát triển không ngừng và không chờ đợi một ai thì muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững, muốn dân giầu, nước mạnh, hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì phải thực hiện đồng bộ nhiều đột phá chiến lược, cả thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó cải cách thế chế, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính là giải pháp trong tầm tay, thực hiện nhanh nhất và ít tốn kém nhất. Cải cách thể chế, thủ tục hành chính sẽ tác động trực tiếp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế và quốc gia; thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và dự báo được; tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng như thực hiện đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm về cải cách thể chế, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; tập trung rà soát và hoàn thiện thế chế, nhất là các Luật, Nghị định, Thông tư theo hướng kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không phù hợp, gây khó khăn, chậm trễ, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; chỉ giữ lại những quy định, thủ tục mà Nhà nước nhất thiết phải giữ để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội, tuy nhiên, những quy định và thủ tục này phải thông thoáng, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện. “Quản lý không phải để gây khó khăn mà quản lý là để tạo thuận lợi cho phát triển, cho người dân doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh; để ngăn chặn những hoạt động làm thiệt hại cho đất nước, cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn và môi trường sống của người dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Với tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát thể chế liên quan đến hoạt động đăng ký kinh doanh; đăng ký thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh; giải thể doanh nghiệp, “cương quyết giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục ngay trong năm 2014, tức giảm từ bình quân 4 ngày hiện nay xuống còn 2 ngày”. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các quy định liên quan như thủ tục thành lập công đoàn; thủ tục về hóa đơn thuế, thuế môn bài của Bộ Tài chính; thủ tục khắc dấu, đăng ký dấu, thủ tục về phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an; thủ tục tiếp cận điện của Bộ Công Thương; thủ tục đánh giá tác động môi trường, việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thủ tục không cần thiết, hoặc nếu không cắt giảm thủ tục thì phải giảm thời gian làm thủ tục. Một nội dung mà Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành là việc rà soát tất cả các loại quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm…. Thủ tướng cho rằng rất nhiều quy hoạch hiện nay chất lượng kém, chồng chéo, phi thị trường và không cần thiết, đây cũng là một cản trở cho hoạt động ra nhập thị trường, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Để đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước, Thủ tướng đề nghị sau khi rà soát, đánh giá, các Bộ, ngành cần đề xuất thành các quy định trong Luật, trong đó có Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); quy định trong Nghị định, Thông tư và Thông tư liên tịch. “Chúng ta không thể chỉ mong muốn, kêu gọi mà ý chí của chúng ta phải thể hiện bằng luật pháp” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và cho rằng việc quy định trong luật cũng phải đảm bảo rõ ràng, thuận lợi, công khai, minh bạch. “Cái nào cấm phải nói rõ là cấm, cái nào là kinh doanh có điều kiện phải nói rõ các điều kiện; trong kinh doanh có điều kiện hay điều kiện kinh doanh, cái nào thực hiện tiền kiểm, cái nào hậu kiểm phải hết sức rõ ràng, minh bạch”.
Cuối cùng, với mục tiêu đảm bảo cho việc thực thi hiệu quả công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai hiệu quả mô hình cơ chế một cửa liên thông mà sắp tới sẽ triển khai ở cấp huyện trên toàn quốc; đồng thời nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ. “Thực tế nhiều lúc, nhiều nơi không phải do thủ tục mà là do con người. Tôi yêu cầu thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc”. - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dứt khoát./.
Ngọc Hiên