Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC
Hội nghị tập trung thảo luận vào 3 chủ đề gồm: Hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bền vững nhằm giải quyết các khía cạnh của quá trình toàn cầu hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng; Thúc đẩy chuyển dịch lao động và phát triển kỹ năng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, châu Á-Thái Bình Dương luôn là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới với đầu tàu là 21 nền kinh tế thành viên APEC, đóng vai trò là động lực tăng trưởng toàn cầu. Qua 25 năm phát triển, APEC đã thực sự trở thành một diễn đàn liên kết kinh tế đại diện cho 40% dân số, đóng góp khoảng 54% GDP cho toàn thế giới. Từ bài học thành công và kinh nghiệm hợp tác của APEC cho thấy, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu để duy trì sự năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực này. APEC cũng đã chú trọng phát huy hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào với trình độ kỹ năng ngày càng cao đi đôi với phát triển khung khổ thể chế phù hợp, đề cao trách nhiệm nhân văn, bảo vệ và kết nối con người với con người. Các chương trình, dự án và các sáng kiến hợp tác của APEC đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nhất là cho thanh niên, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng quốc tế, tăng cường lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế APEC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và thách thức to lớn đang đặt ra cho mỗi thành viên như phục hồi tăng trưởng còn chậm, thiếu vững chắc; thất nghiệp còn cao; mất cân bằng về cung-cầu lao động có tay nghề cao; bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác. “Đây là những vấn đề cần phải được giải quyết cả ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu. Quyết tâm và nỗ lực của mỗi nền kinh tế là vô cùng thiết yếu, song chưa đủ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Thủ tướng cho rằng: Với vai trò và vị trí quan trọng của mình, APEC cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và tăng cường kết nối con người... coi đó là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và phát triển con người. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chủ đề của Hội nghị và những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận. Tin tưởng, các Bộ trưởng APEC, các đại biểu sẽ đề ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến mới, giải pháp hiệu quả, lấy con người làm trung tâm trong phát triển nguồn nhân lực; đồng thời qua đó góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế như thất nghiệp, đặc biệt là ở bộ phận lao động trẻ; hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ, người tàn tật... trên thị trường lao động.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Nhận thức rõ vị trí quan trọng hàng đầu của yếu tố con người trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là cơ hội, lợi thế quan trọng mà Việt Nam phải nỗ lực phát huy để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia, góp phần phát triển nhanh, hiệu quả và hội nhập ngày càng sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do có những yêu cầu và tiêu chuẩn cao về nguồn nhân lực.
Thủ tướng nhấn mạnh trong hơn 15 năm tham gia Diễn đàn, Việt Nam đã hợp tác tích cực và sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thành công của Hội nghị Bộ trưởng APEC về phát triển nguồn nhân lực lần này sẽ thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực hướng tới một châu Á-Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững./.
Ngọc Hiên