Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh; mở rộng hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại một số sự kiện trong tháng 11/2021, nổi bật là Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV và Hội nghị văn hóa toàn quốc thành công tốt đẹp; các hoạt động đối ngoại rất sôi động, hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Chính phủ khẩn trương chuẩn bị kỹ các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Quốc hội. Đặc biệt, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng. Chính phủ và các cơ quan liên quan tích cực hoàn thành việc xây dựng dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.Sáng 2/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 để thảo luận các nội dung về: Công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng; những trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong tháng 12 và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2022.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin tới báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh đó, trước tình hình thiên tai, mưa lũ lớn xuất hiện tại một số địa phương Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với diễn biến phức tạp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai; chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Về phòng, chống dịch COVID-19: Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định, Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được xây dựng, ban hành và triển khai rất kịp thời, đúng hướng, sát thực tế, hiệu quả và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tạo được lòng tin cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca bệnh mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương. Thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan, ngoài ra biến chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, bám sát thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt. Tinh thần là không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng không hốt hoảng, lo sợ. Cần phải nhanh chóng xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó; tổng hợp nhu cầu và tổ chức mua, dự phòng đủ vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tại các địa phương.
Tập trung hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển KTXH.
Về tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì, phục hồi KTXH.
Cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, các hoạt động xã hội dần được nối lại trong điều kiện thường mới, tình hình KT-XH chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp.
Sản xuất công nghiệp được phục hồi ở hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía nam; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5.5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 600 tỷ USD, tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu, góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so tháng trước.
Thu NSNN 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 103,4% dự toán năm.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10; 11 tháng có 146.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến nay đã hỗ trợ hơn 28 triệu đối tượng theo Nghị quyết 68, với tổng kinh phí giải ngân gần 29 nghìn tỷ đồng. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường (số ca lây nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng những ngày qua); việc bảo đảm các cân đối lớn và giữ ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát chịu sức ép từ giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí logistic tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm; nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục lại sản xuất kinh doanh nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu lao động, nguyên liệu và vốn;...
Tiếp tục thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế, đánh giá, rút kinh nghiệm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, triển khai xây dựng chương trình phục hồi du lịch năm 2022. Làm tốt công tác dự báo, tính toán, cân đối để bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tăng cường quản lý giá, kiểm soát yếu tố hình thành giá; tập trung thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó chú ý điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (Thủ tướng Chính phủ thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công tại các bộ, ngành và địa phương). Tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất kinh doanh; rà soát giảm phí, lệ phí cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chỉ đạo kịp thời, quyết liệt sản xuất nông nghiệp và khắc phục hậu quả thiên tai.
Triển khai hiệu quả các giải pháp thu hút người lao động trở lại làm việc, giảm thất nghiệp; mở rộng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chuẩn bị kỹ các điều kiện để mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đến người yếu thế, người nghèo, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an toàn, vui vẻ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, trật tự xã hội;. phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ các Đề án báo cáo Bộ Chính trị, các Đề án báo cáo Quốc hội kỳ họp cuối năm và tổ chức hiệu quả, thực chất công tác tổng kết năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4, các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 để góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết; rà soát, xác định các nhiệm vụ, giải pháp đề án và chỉ tiêu cụ thể của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm rõ ràng, hiệu quả, khả thi, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/12/2021. Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến trước khi đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị Chính phủ với địa phương trong tháng 12 năm 2021.
PV