Thương binh Võ Tấn Dũng làm nhiều việc nghĩa
Đại tá Võ Tấn Dũng, thương binh 3/4 giao lưu, kể chuyện truyền thống cho các bạn trẻ. |
Chú Tư “truyền lửa”
“Các cháu cho biết “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, tắt lửa nấu ăn trước trời sáng” của lực lượng Biệt động Cần Thơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa gì?. Câu hỏi vừa dứt thì có hàng chục cánh tay của các bạn đoàn viên, học sinh giơ lên xung phong trả lời. “Dạ thưa chú, có nghĩa là đi xong xóa dấu vết, nấu ban đêm, nói nhỏ nói thầm, không tắt lửa địch phát hiện”.
Câu trả lời của một em học sịnh vừa dứt, lập tức nhận được tràng pháo tay tán thưởng của cả hội trường. Đó là không khí sôi nổi mà chúng tôi được chứng kiến tại buổi giao lưu, kể chuyện truyền thống cách mạng do UBND phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tổ chức mới đây. Nhân vật chính tại buổi giao lưu, kể chuyện truyền thống hôm ấy là Đại tá Võ Tấn Dũng, nhiều người quen gọi với cái tên thân mật, trìu mến: Chú Tư.
Với chất giọng mạnh mẽ nhưng ấm áp, cùng nụ cười phúc hậu, kể cho chúng tôi về “cơ duyên” đến với công việc “truyền lửa” cách mạng cho các bạn trẻ, chú Tư tâm sự: “Là một người lính nên tôi muốn truyền đạt để cho các bạn trẻ hiểu được công cuộc giữ nước và dựng nước của các thế hệ đi trước; đồng thời đây cũng là 1 trong 4 tiêu chí mà Ban liên lạc Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ đã đề ra”.
Cung cấp kiến thức là một chuyện, nhưng làm thế nào để các cháu, các em yêu thích lịch sử truyền thống cách mạng mới là điều đáng quan tâm. Do vậy, với chút kiến thức tin học được trang bị sau khi về hưu và sự “giúp sức” của các con, cháu về sử dụng máy vi tính, chú Tư đã tự mày mò, sưu tầm tư liệu, vẽ bản đồ, viết thuyết minh, tạo hiệu ứng trên trình chiếu Power Point những trận đánh của chính mình đã tham gia.
Qua vài lần được các hội viên Ban liên lạc Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ góp ý, chú Tư đã hoàn chỉnh được nhiều bộ tài liệu sinh động. Nhờ đó, tại các buổi giao lưu, kể chuyện truyền thống cách mạng mọi người dễ dàng nắm bắt được những dấu mốc, chi tiết các sự kiện. “Sự hứng thú, yêu thích với lịch sử truyền thống cách mạng đã tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục thực hiện công việc này”, chú Tư bày tỏ.
Lần đầu tiên chú Tư giao lưu, kể chuyện truyền thống là đợt tuyên truyền hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2006) với Đoàn phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Và gần 20 năm qua, chú Tư đã mang tâm huyết của mình để “truyền lửa” với hơn 150 cuộc tại khắp các địa phương của thành phố Cần Thơ. Khi thì tổ chức tại đoàn phường, lúc tại các trường học, cơ quan, đoàn thể với hàng chục nghìn lượt người tham dự.
Đại tá Võ Tấn Dũng, thương binh 3/4 giao lưu, kể chuyện truyền thống. |
Chú Tư không kể chuyện tràn lan mà theo chủ đề, trong tháng có sự kiện, cột mốc nào quan trọng thì lấy đó làm trọng tâm. Các số liệu và sự kiện về lịch sử tưởng chừng như khô khan, nhưng bỗng trở nên dễ nhớ qua những câu đố vui cùng phần trình bày sinh động, lôi cuốn của Thương binh Võ Tấn Dũng.
Để các bạn trẻ yêu thích lịch sử truyền thống và tránh bị nhàm chán, chú Tư đã phải nỗ lực rất nhiều, từ chuyện tự trang bị cho mình những kiến thức lịch sử, cập nhật những tin tức thời sự, nhất là phải hoàn thiện “giáo án” cho chính mình. Đặc biệt, chú đã hoàn chỉnh 9 bộ tài liệu về các trận đánh: Trận đánh 6 ngày đêm giữ căn cứ lõm Vườn Mận của Biệt động Cần Thơ; trận đánh chống địch phá hoại Hiệp định Pari tại rạch Cái Nai của Biệt động 824; chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ…
Nhằm giúp các bạn trẻ dễ nhớ, dễ khắc ghi, chú Tư còn kể chiến công qua những bài thơ do mình sáng tác như: “Bốn trận Tầm Vu”, “Chiến thắng Ông Hào”, “Thơ thắng Pháp và Mỹ”, “Nhớ Vòng Cung một thời tuyến lửa”, “Nhớ Mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Phi”… Thiết thực hơn, chú Tư còn học thuộc bài thơ “Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh” gồm 208 câu, “Một thế kỷ, mấy vần thơ” của nhà thơ, nhà báo Truy Phong để đọc trong những dịp giao lưu, kể chuyện truyền thống.
Chú Tư còn phối hợp với nhạc sĩ Lê Nghiệp hoàn chỉnh bản nhạc “Hành khúc biệt động Cần Thơ”, cùng với nhạc sĩ Vũ Hưng viết bài: “Nhớ anh biệt động Cần Thơ” đã được Đoàn Văn công Quân khu 9 hòa âm phối khí, để bản anh hùng ca biệt động Cần Thơ vang mãi trên đất Tây Đô thân thương.
Ân tình với đồng đội
Những ngày này, mặc dù rất bận cho các hoạt động hướng tới Ngày Thương binh -Liệt sĩ (27/7), nhưng do đã hẹn trước nên Đại tá Võ Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp chúng tôi.
Cầm trên tay quyển “Tập ảnh biệt động thành phố Cần Thơ (1954 - 1976), Thương binh Võ Tấn Dũng cho biết, đây là tập ảnh do ông và đồng đội cất công sưu tầm với rất nhiều tư liệu quý.
Lật đến trang nói về trận đánh 6 ngày đêm giữ căn cứ lõm Vườn Mận của biệt động Cần Thơ từ ngày 28/9 đến 3/10/1970, chú Tư dừng lại bùi ngùi: “Để có được chiến công vang dội ấy, lực lượng biệt động đã được nhân dân hết lòng đùm bọc, cưu mang ngay trong lòng địch. Nhiều gia đình còn hiến hết tài sản để lực lượng cách mạng sử dụng làm phương tiện chiến đấu, trong đó đặc biệt có gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Phi (má Hai Tiểu). Khu vực của gia đình má Hai Tiểu, địch bố trí rất nhiều đồn, bót với nhiều lực lượng tinh nhuệ tuần tra, canh gác ngày đêm để chia cắt lực lượng cách mạng. Lực lượng biệt động chỉ có 45 người, nhưng qua 6 ngày đêm, chúng tôi đã bẻ gãy được 13 đợt tấn công, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Sau khi địch tái chiếm căn cứ lõm Vườn Mận, lực lượng biệt động tiếp tục được bà con đùm bọc, cưu mang. Và thật xót thương khi má Hai Tiểu đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ đội biệt động”.
Chú Tư đã tự sưu tầm tư liệu, vẽ bản đồ, viết thuyết minh, tạo hiệu ứng trên trình chiếu Power Point những trận đánh của chính mình đã tham gia. |
Theo Thương binh Võ Tấn Dũng, tiền thân của lực lượng biệt động Cần Thơ là các đơn vị vũ trang được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lực lượng biệt động được phát triển lên từ những tổ “Tự vệ bắt cướp”, “Nhóm vũ trang bảo vệ Đảng”... Ngày 3/2/1965 chính thức được mang tên Đội biệt động vũ trang thị xã Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ).
Hằng năm, cứ đến ngày 29/2, tại khu căn cứ Vườn Mận, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ đều tổ chức họp mặt và tổ chức trang trọng lễ giỗ tưởng niệm các đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Với vai trò là Trưởng ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ, từ năm 2006 đến nay, chú Tư đã vận động xây, sửa chữa được hàng chục căn nhà tặng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn nhà từ 20 - 35 triệu đồng; tổ chức thăm, tặng quà nhiều trường hợp hội viên mắc bệnh hiểm nghèo.
Thương binh Võ Tấn Dũng phát biểu trong buổi họp mặt ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ, |
Chú Tư còn giúp Ban Quân lực, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ giải mã cho các đơn vị như: Cơ quan tham mưu; các đơn vị biệt động 291, 292, 293, 294, 28, 823, 824; tổ chức thu thập thông tin được gần 700 trường hợp là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP Cần Thơ và gia đình có công cưu mang biệt động ở nội thành và ven thành phố, trong đó đã lập danh sách được 206 hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ.
Đặc biệt, năm 2016 được nhân dân phát hiện và cung cấp, chú Tư đã giúp Ban Chính sách, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang quy tập được 2 bộ hài cốt liệt sĩ, hy sinh năm 1969 đưa về nghĩa trang liệt sĩ an táng.
Hằng năm, cứ đến ngày 29/2, tại khu căn cứ Vườn Mận, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ đều tổ chức họp mặt và tổ chức trang trọng lễ giỗ tưởng niệm các đồng đội đã anh dũng hy sinh. |
Được đồng đội nhớ ơn, đó là niềm vui để Thương binh Võ Tấn Dũng tiếp tục thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa hơn. Và nguồn động viên ấy như được nhân lên khi chú Tư là một trong những cá nhân tiêu biểu được UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen về “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2021.
Về hưu là để nghỉ ngơi, nhưng với Thương binh Võ Tấn Dũng luôn tâm nguyện là sẽ dành trọn những năm tháng tuổi già của mình để tiếp tục “truyền lửa” cho các bạn trẻ và tìm đến giúp đỡ những đồng đội còn nhiều khó khăn.