Tối mai, 21/6: Trao Giải báo chí quốc gia
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, trong số 165 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII.
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia diễn ra tối 21-6 với nhiều điểm nhấn đặc biệt |
Qua 18 năm tổ chức, đến nay, Giải Báo chí quốc gia tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 21 Liên Chi hội và 30 Chi hội trực thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố... Số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 127 tác phẩm. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội nhà báo trong cả nước. Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, năm nay, số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1905 tác phẩm, trong đó có 1827 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định. Quá trình chấm Sơ khảo được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Hướng dẫn và Quy chế của Hội đồng Giải. 11 Tiểu ban của Hội đồng Sơ khảo đã làm việc công tâm, hoàn thành chấm Sơ khảo đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt.
Quá trình chấm Chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng Giải. Theo đánh giá của Hội đồng Giải, các tác phẩm dự Giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2023. Báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước, với những mảng đề tài nổi bật như: Nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020-2030; Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Các tác phẩm cũng nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; về văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa tại cộng đồng; bảo vệ các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới; về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các vấn đề xã hội nóng như: vụ khủng bố tại Đắk Lắk, chống tham nhũng trong ngành đăng kiểm, hệ lụy của chung cư mini, nạn cắt xén bữa ăn bán trú của học sinh, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu… cũng được quan tâm thông tin. Cùng với đó là những tác phẩm viết về những tấm gương người tốt việc tốt, những cán bộ “6 dám” nơi đất khó, những cô giáo dân tộc, những sứ giả đại ngàn… với nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người.
Nhìn chung, các tác phẩm tham dự Giải năm nay có chất lượng tốt. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan toả, ảnh hưởng trong xã hội. Nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, công phu, có bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động, hấp dẫn người đọc.
Điểm nổi bật năm nay chính là các sản phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư công phu, hấp dẫn. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng. Ngoài các cơ quan báo chí ở Trung ương, một số báo, đài địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo phương thức mới mẻ, hiện đại, được đánh giá cao cả về chất lượng và hình thức thể hiện. Có thể thấy, qua mỗi mùa giải, chất lượng tác phẩm dự thi càng ngày càng tốt hơn, khoảng cách giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp.