Trường Dân tộc nội trú THCS Lục Yên (Yên Bái): Học sinh bị đánh trong trường, trách nhiệm thuộc về ai?
Trong quá trình đi tìm hiểu, ghi nhận thông tin để thực hiện Chuyên đề: “Sức khoẻ học đường tại các cơ sở giáo dục”, phóng viên Tạp chí Sức khoẻ & Môi trường đã ghi nhận được nhiều trường hợp liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường tại một số cơ sở giáo dục.
Mới đây nhất, tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã xảy ra một vụ xô xát giữa hai nhóm học sinh cùng trường (một nhóm các học sinh lớp 7 và một nhóm gồm các học sinh lớp 8, 9), khiến một học sinh phải nhập viện điều trị với chẩn đoán tụ máu sọ não.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lục Yên – nơi xảy ra sự việc.
Theo báo cáo sơ bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên gửi tới UBND huyện, sự việc xảy ra vào khoảng 22h ngày 22/12/2022. Sự việc xảy ra đã khiến 02 học sinh thuộc lớp 7B của trường là em D.T Đ và em N.H.L bị xây sát vùng da. Trong đó, nghiêm trọng hơn là học sinh D.T.Đ có dấu hiệu bị chấn thương nặng vào vùng đầu. Ngay sau đó nhà trường đã phối hợp với lực lượng chức năng đưa học sinh này đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên và chuyển thẳng xuống Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, đồng thời có báo cáo nhanh gửi UBND huyện Lục Yên và mời cơ quan công an thị trấn Yên Thế vào làm việc.
Văn bản chỉ đạo của Phòng GĐ- ĐT huyện Lục Yên
Trao đổi với phóng viên, Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lục Yên cho biết, đơn vị rất lấy làm tiếc vì sự việc xảy ra và đã có báo cáo gửi lên cấp trên.
“Sự việc xảy ra trong khung giờ các học sinh chuẩn bị đi ngủ và do trong đêm tối nên người phụ trách không kịp thời phát hiện ra”, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Lục Yên giải thích lý do trường nội trú không có sự theo dõi giám sát để xảy ra vụ việc trên.
Học sinh bị đánh là đang là học sinh lớp 7 của trường.
Với trách nhiệm trong công tác quản lý của mình, ngoài báo cáo với UBND huyện về vụ việc này, phòng GD&ĐT huyện Lục Yên cũng đã nhanh chóng có văn bản chỉ đạo tới Hiệu trường trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lục Yên khẩn trương tổ chức việc thăm nom chăm sóc học sinh bị đánh, đồng thời siết chặt kỷ luật, nâng cao việc quản lý các học sinh trong trường không để vụ việc tương tự xảy ra.
Để tìm hiểu kỹ hơn thông tin về vụ việc này, nhóm phóng viên đã đến gặp gỡ và trao đổi với ông Ngô Đức Quân – Hiệu trưởng nhà trường. Ông Quân thừa nhận đúng là có sự việc đáng tiếc đó xảy ra tại trường và trách nhiệm này thuộc về nhà trường. Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến vụ việc, vị Hiệu trường này cho biết nhà trường sẽ không cung cấp bất kỳ thông tin nào để giữ ổn định tình hình. Mọi thông tin về vụ việc này đã được chuyển sang bên cơ quan công an, nếu phóng viên cần thông tin thì cứ sang bên cơ quan công an để bíết rõ thêm. Ông Quân cũng cho biết thêm: “Hiện vụ việc đã được các gia đình phụ huynh có liên quan tự dàn xếp giải quyết nội bộ để tránh gây tâm lý bất ổn trong học sinh của trường”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện học sinh D.T.Đ đã xuất viện và được chuyển về nhà tiếp tục theo dõi. Đáng lưu ý, kết quả chụp sọ não của cơ quan y tế cho biết học sinh này có hiện tượng tụ máu trong sọ não nên cần phải tiếp tục theo dõi trong một thời gian nữa.
Kết quả chụp sọ não chẩn đoán học sinh D.T.Đ có dấu hiệu tụ máu sọ não
Như vậy, nếu muốn hiểu rõ hơn về vụ việc này cần phải chờ kết quả xác minh từ phía cơ quan công an. Tuy nhiên, để vụ việc trên xảy ra ngay trong khuôn viên của nhà trường thì câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Làm sao không để vụ việc như thế này tiếp tục xảy ra và đẩy lùi vấn nạn như thế nào? Ban Giám hiệu trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lục Yên phải chịu trách nhiệm và bị xử lý ra sao trước tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngay tại đơn vị mình quản lý?
Vụ việc trên lại thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước vấn nạn bạo lực học đường. Để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc như vậy có thể sẽ xảy ra và quyết liệt đẩy lùi nó ra khỏi môi trường sư phạm, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng và tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng, của gia đình, cộng đồng và xã hội.
NHÓM PV