Truyền thông khu vực nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Quốc Hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Truyền thông khu vực đã có nhiều bài viết nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm chính thức Indonesia và dự Đại Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44) của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Trong một bài xã luận, Hãng Thông tấn chính thức Antara khẳng định chuyến thăm này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam coi trọng quan hệ song phương với Indonesia, mong muốn góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Về quan hệ Việt Nam-Indonesia, Antara cho rằng nhân dân hai nước đã chung tay đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt và tình hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno.
Năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược với mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa đến giao lưu nhân dân.
Bài xã luận nhắc lại rằng trong đại dịch COVID-19, nhân dân hai nước đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Trong những thời điểm căng thẳng và khó khăn nhất, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia đã thường xuyên duy trì kênh ngoại giao, trao đổi và bàn giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giải quyết các khó khăn.
Hai nước cũng chia sẻ gánh nặng với các nước thành viên ASEAN trong việc xây dựng cơ chế hợp tác nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và từng bước mở rộng tiêm chủng cho cộng đồng. Chiến đấu và giành chiến thắng đại dịch, nhân dân hai nước tiếp tục chung tay tái xây dựng nền kinh tế quốc gia.
Mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa Indonesia và Việt Nam được thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương đạt 11,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 40% so với năm 2020 và vượt mục tiêu 10 tỷ USD mà hai bên đề ra trong kế hoạch hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược.
Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hoàn tất Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2028 nhằm định hướng hợp tác song phương trong tương lai, hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2028. Thương mại song phương được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi nước.
Báo Indonesia đưa tin đậm nét về bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội
Về hợp tác nghị viện, Việt Nam đã tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế. Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia (DPR, tức Hạ viện) đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào tháng 3/2010.
Quốc hội Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thông qua việc thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác nghị viện như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các ủy ban chuyên môn và nhóm nghị sỹ hữu nghị.
Quốc hội Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy trao đổi thông tin, kinhnghiệm với Quốc hội Indonesia về công tác lập pháp, giám sát các nội dung liên quan đến phục hồi kinh tế, xã hội hậu đại dịch COVID-19 và các vấn đề toàn cầu như chuyển đổi số.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Cũng theo Antara, trên lĩnh vực đa phương, Việt Nam bày tỏ ủng hộ và đánh giá cao vai trò và các sáng kiến của Indonesia trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023, cũng như các nỗ lực của Jakarta nhằm tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, nhất là ở Đông Nam Á, và trên toàn cầu.
Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam và các nước ASEAN hiện đang thúc đẩy đàm phán thực chất, hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử (COC), tôn trọng chủ quyền và lợi ích của các bên liên quan trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.
Trong khi đó, trong bài bình luận đăng trên các tờ Asia Review, Kompasiana và Republik Merdeka, ông Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện rõ sự quan tâm của Ban Lãnh đạo Việt Nam đối với mối quan hệ với Indonesia.
Chuyến thăm cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, sự tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, sẵn sàng hướng tới hợp tác sâu rộng hơn nữa vì lợi ích của người dân cũng như vì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Hơn nữa, chuyến thăm cũng sẽ tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp Việt Nam và Indonesia.
Theo ông Anjaiah, kể từ khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội vào năm 2021, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã nỗ lực đổi mới chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để đưa đất nước vươn lên tầm cao mới, trở thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Chủ tịch Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực đổi mới phong cách làm việc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhà báo kỳ cựu người Indonesia nhắc lại rằng Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/12/1955. Năm 2013, hai nước đã nâng quan hệ hữu nghị lên tầm đối tác chiến lược.
Việt Nam và Indonesia đều là các thành viên quan trọng của ASEAN và đang nỗ lực đạt vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 thông qua chuyển đổi từ các ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên sang các ngành công nghệ cao, cũng như tăng cường hợp tác giáo dục và chia sẻ kiến thức.
Với dân số 98,9 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 430,77 tỷ USD, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba và là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN.
Trong khi đó, Indonesia, với dân số 277,7 triệu người và GDP đạt 1.360 tỷ USD, là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Hai nước chiếm tới 60% tổng dân số và 45% tổng GDP của ASEAN.
Nhà nghiên cứu quốc tế cho biết thêm rằng Việt Nam cùng với Indonesia đã có những đóng góp to lớn cho ASEAN và cam kết cùng với Hiệp hội ứng phó trước những thách thức toàn cầu.
Hai nước cũng có chung quan điểm về vấn đề Biển Đông, theo đó mọi tranh chấp trên biển phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.