Tuyên Quang: Khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo: Chủ tịch UBND huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra cụ thể tình hình thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn; tập trung chỉ đạo khắc phục ngay hậu quả, bảo đảm sản xuất; hỗ trợ ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng do thiên tai; đặc biệt chú ý việc kiểm tra, rà soát di chuyển kịp thời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá đến nơi an toàn; tăng cường công tác thông tin, cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp ứng phó; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để thực hiện việc khắc phục thiệt hại theo đúng quy định; những việc vượt quá thẩm quyền giải quyết phải báo cáo UBND tỉnh kịp thời cho ý kiến chỉ đạo.
Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố trong việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn; báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh.
Một nhà dân ở xã Minh Khương (Hàm Yên) bị sập đổ sau trận dông lốc ngày 21/4. (ảnh :CTTĐT Tuyên Quang) |
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong 3 ngày từ 17 đến 20/4, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt dông lốc, gió giật mạnh làm hư hại 299 nhà dân.
Mưa dông cũng làm thiệt hại gần 300ha cây hoa màu của người dân, trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Lâm Bình, với trên 161ha, tiếp đến là các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên; thiên tai còn làm thiệt hại nhiều diện tích lúa, cây lâm nghiệp, công trình xây dựng… Ước tính thiệt hại trên 3,4 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai đi qua, UBND các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ chuyên môn phụ trách xuống xã nắm tình hình, huy động nhân lực, phương tiện tại chỗ hỗ trợ người dân thu dọn nhà cửa, tài sản. Đối với các hộ bị sập nhà, tốc mái hoàn toàn bố trí chỗ ở cho người dân ổn định tâm lý, đời sống.