UNODC cảnh báo: Sản xuất ma túy toàn cầu tăng cao kỷ lục
Phúc trình Ma túy Thế giới 2018 do Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), vừa công bố đã cảnh báo là mức sản xuất chất cocain và thuốc phiện đã đạt mức phá kỷ lục giữa lúc thị trường của các chất này và những chất ma túy bất hợp pháp khác đang mở rộng.
Theo phúc trình, mức sản xuất ma túy toàn cầu tăng 65% lên đến 10.500 tấn từ năm 2016 đến 2017, và trong năm 2017, hơn 1.400 tấn cocain được sản xuất trên toàn thế giới, mức cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Hầu hết lượng cocain trên thế giới đến từ Colombia và được bán tại Bắc Mỹ. Phúc trình cũng nói châu Phi và châu Á là những trung tâm mới nổi về buôn lậu và tiêu thụ. Phúc trình cho biết thuốc phiện được sản xuất chính yếu tại Afghanistan, và chuyển theo con đường Balkan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Âu.
Giám đốc UNODC, Miwa Kato nói là cuộc khủng hoảng opioid (trích xuất từ cocain và thuốc phiện) ngày càng tăng, nghĩa là các loại thuốc phải có đơn lại dùng cho những mục đích phi y tế, đang trở nên một mối đe dọa chính cho sức khỏe người dân và cho các nhân viên thi hành công lực trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Chất opioid hiện là nguyên nhân của ba phần tư các trường hợp tử vong có liên hệ đến nghiện ngập. Do đó đây là một mối quan ngại trong bối cảnh của Bắc Mỹ, nơi truyền thông chú trọng đến nhiều, cũng như tại phần lớn các quốc gia châu Phi và một phần châu Á, nơi chúng ta cũng chứng kiến những vấn đề tương tự.”
Phúc trình của UNODC cho biết hiện có khoảng 275 triệu người tuổi từ 15 đến 64 dùng các chất gây nghiện bất hợp pháp ít nhất một lần trong năm ngoái và gần một triệu rưỡi người chết vì lạm dụng ma túy. Nhưng con số thực sự những người sử dụng và số tử vong chắc chắc là cao hơn.
Phúc trình cũng nói cần sa là một chất gây nghiện được tiêu thụ nhiều nhất trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để biết được ảnh hưởng của việc hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa để giải trí.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Phòng chống ma túy của Afghanistan và UNODC, trong năm 2017, ngoài việc tăng tới 87% sản lượng lên mức kỷ lục là 9.000 tấn, khu vực trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan cũng tăng kỷ lục là 328.000 ha, tăng 63% so với 201.000 ha vào năm 2016.
Giám đốc Điều hành của UNODC Yury Fedotov chỉ ra những thách thức ngày càng gia tăng mà quốc gia này phải đối mặt như việc ngày càng có nhiều người lạm dụng và nghiện ma túy, một nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào sản phẩm bất hợp pháp này cũng như tình trạng tham nhũng ngày càng tăng cao.
Afghanistan cũng như các quốc gia láng giềng cũng sẽ gặp nhiều thách thức bởi sự mất ổn định, mất an ninh khi nguồn tài trợ cho các nhóm khủng bố gia tăng.
“Đã đến lúc cộng đồng quốc tế và Afghanistan cần phải tăng cường kiểm soát ma túy, và nhận thức được rằng mọi quốc gia đều có trách nhiệm chung với vấn đề toàn cầu này”, ông Yury Fedotov nhấn mạnh.
Linh Đức