Vaccine phòng HIV đã được thử nghiệm trên người và đạt kết quả tốt
Những người được tiêm ngừa đều hình thành được sự miễn dịch với virus HIV, và ít nhất 80% số người thử nghiệm còn có được những phản ứng miễn dịch tích cực hơn.
Được biết, loại vaccine ngừa đa chủng HIV trước đây đã được thử nghiệm trên khỉ nâu, và đã giúp 67% số khỉ hình thành được khả năng miễn dịch với loại virus gây suy giảm miễn dịch tương tự như ở người, cho thấy nó hoàn toàn có khả năng chống lại HIV.
Dù kết quả ban đầu là rất khả quan, nhưng nhóm nghiên cứu khẳng định điều đó vẫn chưa đồng nghĩa với sự ra đời của một loại vaccine ngừa HIV chính thức. Nhóm vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều chặng thử nghiệm nữa để khẳng định chính xác khả năng hình thành miễn dịch hoàn toàn với HIV ở người.
Trong tương lai gần, nhóm nghiên cứu dự định sẽ thử nghiệm vaccine trên 2.600 người phụ nữ tại Nam Phi – vốn có nguy cơ mắc HIV cực cao. Thực tế, đây chỉ là một trong số 5 loại vaccine HIV đang được thử nghiệm lâm sàng trên người với thời gian dài, nhưng hiện tất cả vẫn chưa đạt được độ hiệu quả như mong muốn để tiến tới bước xa hơn. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn có niềm tin mạnh mẽ rằng loại vaccine mới sẽ thành công.
Nguyên nhân là do những loại vaccine trước đây chỉ tập trung vào phòng một chủng HIV, trong khi nó rất “cơ hội” và cực kỳ thông minh, dễ tạo ra những “biến thể” để tiếp tục ẩn nấp khỏi sự truy quét của miễn dịch. Loại vaccine mới được “ghép” lại từ nhiều chủng khác nhau, nhằm tạo nên một loại vaccine đa năng để nhận diện được nhiều biến thể của HIV. Nếu thành công, các bác sĩ có thể áp dụng vaccine mới cho một quần thể người lớn để ngừa bệnh. Hiện vẫn chưa có loại vaccine HIV áp dụng cho cả loài người, nhưng việc ngừa bệnh hữu hiệu trên một quần thể đủ lớn cũng là một bước tiến đáng kể trong công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ.
Vấn nạn của thế kỷ 21 là ung thư, nhưng không vì vậy mà con người xem nhẹ một căn bệnh thế kỷ khác là HIV/AIDS. Các nhà khoa học vẫn đang hết sức nỗ lực tìm ra các loại thuốc điều trị, hay thậm chí là phòng chống căn bệnh này từ trước khi nó xảy ra.
Theo báo cáo mới nhất từ NIAID (Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia - Mỹ), các chuyên gia đã bắt đầu lên kế hoạch thử nghiệm vaccine chống HIV trên người, sau những kết quả đại thành công với chuột bạch, chuột lang và khỉ. Dự tính, thử nghiệm sẽ bắt đầu vào đầu năm 2019.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine mới đây, nhóm nghiên cứu do John Mascola và Peter Kwong đứng đầu đã tìm ra loại kháng nguyên chứa mọi điều kiện cần thiết để giúp chúng ta sản xuất vaccine: vừa hoạt động ổn định khi virus nhân bản, lại không bị các tế bào miễn dịch khác xâm lấn. Kế đó, cả hai đã thử tiến hành chế tạo một loại protein có thể kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể nhắm đến kháng nguyên HIV-1, rồi tạo ra các mẫu vaccine tương ứng. Khi tiến hành thử nghiệm trên chuột, kết quả cho thấy các kháng thể đã tấn công và trung hòa đến 31% trong số 208 dòng HIV trên thế giới.
Các thử nghiệm khác trên chuột lang và khỉ đuôi vàng cũng cho kết quả hết sức tích cực. Và đó là dấu hiệu cho thấy vaccine sẽ hoạt động hiệu quả trên cơ thể người.
"Nghiên cứu này là một bước tiến hết sức quan trọng để tạo ra vaccine chống virus HIV." - Anthony S. Fauci, giám đốc NIAID nhận xét.
Linh Đức