Vì sao châu Á “khan hiếm” phụ nữ ?
Theo bộ phim của hai tác giả Antje Christ và Dorothe Dorholt, ngay sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, một làn sóng chống sinh nở mạnh mẽ đã hình thành ở châu Âu, Mỹ rối lan ra nhiều nước trên thế giới. Nhiều người đàn ông da trắng quan niệm rằng số lượng người nghèo đông đúc trên hành tinh là một mối nguy hiểm đáng lo. Và thế là họ quyết định thông qua các chương trình được tài trợ đến hàng triệu USD bởi các quỹ dồi dào ngân sách như Ford, Rockefeller… khuyến khích người dân ở các nước đang đà phát triển, bớt sinh con.
Trong suốt những năm 1960, Quỹ Dân số của LHQ tiến hành nhiều chiến dịch kiểm soát sinh nở tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam. Cho đến lúc này, Quỹ Dân số vẫn dành đến 60% ngân sách cho chương trình này.
Theo các tác giả của bộ phim, bên cạnh những chiến dịch đôi khi bạo lực (cưỡng chế phá thai) còn có yếu tố văn hóa: tại nhiều gia đình châu Á, sinh con trai được xem như là một điều may mắn, còn con gái là một nỗi bất hạnh lớn.
Hậu quả của chương trình này ngày nay hình bóng phụ nữ ngày càng thưa dần. Theo phỏng tính, để có thể cân bằng về giới tính, thế giới có lẽ cần đến 177 triệu phụ nữ, chủ yếu là tại châu Á. Cho đến lúc này ước tính có khoảng 20 nước vẫn còn hiện tượng chọn giới tính con cái.
Thiếu hụt phụ nữ dẫn đến việc gia tăng bạo lực, nạn buôn người, bắt cóc phụ nữ. Thế giới sẽ phải đợi thêm nhiều thập niên nữa trước khi tỷ lệ nam – nữ mới lại quân bình.
Nhiều nước trên thế giới đã có những thay đổi về chính sách. Tại Trung Quốc chính sách một con đã được bãi bỏ. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 1960 – 2010, tỷ lệ sinh con ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở đã giảm mạnh từ 6 trẻ xuống còn một trẻ cho một phụ nữ và việc nạo phá thai được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngược lại, tại Ấn Độ, chính phủ khuyến khích hỗ trợ tài chính cho những gia đình nào sinh con gái.
Thông qua các hình ảnh tư liệu, liên quan đến các chính sách có quy mô lớn, cũng như qua trao đổi với các hiệp hội đấu tranh, gặp gỡ những chàng trai trẻ đang trong hành trình tìm kiếm một người bạn đời hay những cô gái trẻ kể lại nỗi gian truân (bị cưỡng chế phá thai hay cưỡng ép hôn nhân), bộ phim tài liệu của Antje Christ và Dorothe Dorholt mang đến cho người xem những góc nhìn lý thú !./.
Linh Đức