Vĩnh Phúc: Dự án Cụm làng nghề Minh Phương thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật
Thực hiện dự án đúng quy trình, theo quy định của pháp luật
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua tại Nghị quyết số 49/NQ–HĐND ngày 18/12/2017 về việc chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình năm 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Văn bản số 1567/TTg-NN ngày 9/11/2018 và đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020, 2021 của UBND huyện Yên Lạc.
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương được thực hiện đúng quy định pháp luật, đền bù thỏa đáng cho người dân
Hiểu được đây là dự án thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất nên ngay từ khi triển khai dự án, 100% các hộ có đất thu hồi trên địa bàn xã Nguyệt Đức đã nhận tiền đền bù theo đúng quy định. Cùng với xã Nguyệt Đức, thì có trên 50% số hộ thị trấn Yên Lạc cũng nhận tiền đền bù theo giá Nhà nước quy định. Còn lại số ít các hộ đang đòi hỏi vô lý và được UBND huyện Yên Lạc chỉ đạo các phòng ban, thị trấn Yên Lạc tuyên truyền giải thích để nhân dân nắm được những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước rất công khai và minh bạch.
Lãnh đạo huyện Yên Lạc cho biết, trong thời gian qua, dự án đã nhận được sự đồng thuận lớn của người dân có đất tại dự án và đến thời điểm này dự án đang được thực hiện đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Theo đó, chế độ chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã thực hiện hướng tới quyền lợi của người dân địa phương: Ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định (nếu được hưởng đủ 5 khoản bồi thường, hỗ trợ thì được 83.720.000 đồng/sào) còn được thưởng giải phóng mặt bằng nhanh theo Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Quyết định 13/2021/QĐ-UBND tỉnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện như: không phải thực hiện kiếm đếm bắt buộc; nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng trong thời gian quy định trong vòng tối đa không quá 20 ngày (tính cả ngày nghỉ) kể từ ngày nhận được thông báo chi trả tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được thưởng 43.200.000 đồng/sào...Chỉ có những trường hợp cố tình không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng mới bị cường chế đúng theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư dự án không làm sai quy định pháp luật
Mặc dù chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc và UBND huyện Yên Lạc hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của người dân và được đại đa số các hộ dân trong diện bị thu hồi đất chấp hành, nhưng một số hộ cá biệt tại thị trấn Yên Lạc vẫn có những đòi hỏi không chính đáng, đòi giá đền bù cao. Ngoài ra, người dân còn đăng facebook, các trang tin sai sự thật những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Không chỉ dừng lại tại đó, những trang tin đưa sai sự thật đã làm cho công tác tuyên truyền vận động, đối thoại với người dân gặp nhiều khó khăn.
Chủ đầu tư đang thực hiện đúng các bước theo quy định của pháp luật tại dự án Cụm làng nghề Minh Phương
Không chỉ vậy, việc người dân tự ý dựng lều bạt, trồng cây trái phép trên đất nông nghiệp đã được thông báo thu hồi để thực hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương và tụ tập đông người trong thời điểm phòng chống dịch bệnh Covidp-19 là không hợp tác với chính quyền địa phương và không đảm bảo quy định về phòng, chống dịch. Các cấp chính quyền và lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để bảo đảm an ninh trật tự và tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Trước những thông tin trên mạng xã hội cho rằng, chủ đầu tư thực hiện dự án sai quy định. Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Văn Hùng - Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc cho biết: Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện xây dựng hạ tầng của dự án đúng theo quy định. Căn cứ Điều 20, quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp như sau, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo thu hồi, quy hoạch và xây dựng đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, việc vận động, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành nghề sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp cũng đã được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi, văn phòng để cho doanh nghiệp thuê hoặc bán và kinh doanh các dịch vụ công cộng, tiện ích khác trong Cụm công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về việc cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung; xác định giá cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác, cũng tuân thủ theo quy định.
Trường hợp Cụm công nghiệp do Ban Quản lý Cụm công nghiệp cấp huyện hoặc Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp cấp huyện hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì việc quyết định cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác do Sở Công Thương báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác cưỡng chế thu hồi đất, hiện nay, UBND huyện Yên Lạc đã thống nhất xong kế hoạch cưỡng chế với các cơ quan: Công An tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, Đoàn luật sự tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc.
Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị chức năng trên của tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản trả lời gửi UBND huyện Yên Lạc là đã đủ điều kiện về mặt pháp lý đối với kế hoạch cưỡng chế. Dự kiến đợt 1, huyện sẽ cưỡng chế đối với 16/78 hộ tại cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương vào giữa tháng 8/2021.
VIỆT AN