Vĩnh Phúc triển khai đề án Làng văn hóa kiểu mẫu
Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức quán triệt, hướng dẫn triển khai Đề án. (Ảnh: Khánh Linh BVP)
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành thông tin: Từ năm 2023, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai thí điểm tối đa 3 mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, riêng huyện Vĩnh Tường lựa chọn 4 mô hình. Trong đó, các địa phương không chọn 2 mô hình trên một xã được chọn thí điểm; ưu tiên lựa chọn các làng có quỹ đất phù hợp để có thể tích hợp được tất cả các hạng mục đầu tư ở gần nhau và có lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái. Toàn tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại 28 thôn, tổ dân phố.
Năm 2013 theo Đề án Toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai thí điểm tại 28 thôn, tổ dân phố kiểu mẫu (Ảnh: Khánh Linh BVP)
Đồng chí khẳng định, với mục tiêu để người dân trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ Đề án, làng văn hóa kiểu mẫu được xây dựng sẽ hình thành các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, phát triển du lịch, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch; nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm. Cùng với đó, nâng cao năng lực hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.
Các làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được đầu tư xây dựng công trình thiết chế văn hóa-thể thao với các hạng mục chủ yếu gồm: Nhà văn hóa thôn và sân bãi; khu thể dục thể thao; khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Ngoài ra, người dân trong các làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ dành kinh phí hỗ trợ mỗi làng văn hóa không quá 20 tỷ đồng, trong đó, không quá 15 tỷ đồng phục vụ đầu tư cơ sở vật chất, không quá 5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, đồng thời, khuyến khích sự huy động từ nguồn xã hội hóa.
Đồng thời việc bảo trì, vận hành thiết chế văn hóa-thể thao tại các làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được tỉnh hỗ trợ trong 2 năm đầu, sau đó giao các làng, thôn, tổ dân phố quản lý và sử dụng duy trì hoạt động hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận xung quanh các vấn đề về tiến độ, thời gian thực hiện; việc huy động nguồn lực xã hội hóa; bổ sung quy hoạch xây dựng mô hình; mở rộng diện tích nhà văn hóa; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đến người dân tại địa phương; quy định, hướng dẫn để duy trì hoạt động làng văn hóa kiểu mẫu sau khi hình thành…
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan Làng văn hóa kiểu mẫu được xây dựng kỳ vọng sẽ bảo tồn và lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc (Ảnh: Khánh Linh BVP)
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ phấn khởi bởi Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành liên quan trong thời gian qua để chuẩn bị xây dựng Đề án. Đồng chí cho biết: Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu, xem xét về diện tích nhà văn hóa với sức chứa tối thiểu 1,5 lần số người dân trong thôn; không chọn xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu khi cấp ủy, chính quyền địa phương không có sự thống nhất trong nội bộ. Đồng thời, giao trách nhiệm đến người đứng đầu cấp huyện trong thực hiện xây dựng mô hình này.
Khẳng định Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, tuy nhiên, hiện còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là tình trạng đầu tư manh mún, hưởng ứng của người dân chưa thực sự tích cực, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan mong muốn Làng văn hóa kiểu mẫu được xây dựng sẽ là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị truyền thống dân tộc, trước mắt là các giá trị truyền thống của địa phương; đời sống, thu nhập của người dân được tăng lên. Ở đó, người già, người yếu thế, trẻ em được quan tâm, chăm sóc; tình người được nhân rộng và tỏa sáng. Đây cũng là không gian văn hóa, kiến trúc cảnh quan thực sự văn minh hiện đại với hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh.
Làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ đầu tư về hạ tầng mà còn là vun đắp, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân nhằm tạo hạnh phúc trong mỗi gia đình, mỗi thôn, làng, tổ dân phố, đồng chí mong muốn cấp ủy, chính quyền, người dân trong các làng văn hóa kiểu mẫu cùng kiến tạo, cùng quản lý, cùng hưởng thụ những thành quả đó. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo, trước mắt, UBND tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể, xây dựng cơ chế hỗ trợ và phương án kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.
Quán triệt việc triên khai Làng văn hóa kiểu mẫu, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống hương ước, quy ước của các thôn, làng, nhất là các thôn được lựa chọn thực hiện thí điểm làng văn hóa kiểu mẫu; chấn chỉnh lại hệ thống chính trị; nghiên cứu đề xuất các mô hình sản xuất và đề xuất cơ chế đầu tư. Trước mắt, từ nay đến Tết nguyên đán, cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc triển khai Công văn số 1662 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc vui Xuân đón Tết; chú trọng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, thôn, làng, ngõ xóm; khuyến khích các hoạt động vui chơi, thể thao của người dân các địa phương tham gia đón Tết vui Xuân; đẩy mạnh hưởng ứng các hoạt động Tết sum vầy, chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, để tất cả mọi người đều được đón Tết ấm áp, an lành.
Thái Nguyễn