WHO: Huyết tương của người đã được chữa khỏi Covid-19, "có hiệu quả và cứu sống" nhiều bệnh nhân
Theo báo cáo của giới chức y tế, việc sử dụng huyết tương của những người khỏi bệnh COVID-19 đã cứu được mạng sống của nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc.
Các chuyên gia y tế cho rằng trong huyết tương của bệnh nhân khỏi bệnh có những kháng thể với virus COVID-19, do đó khi truyền dịch huyết tương của những người này vào cơ thể người bệnh khác, các kháng thể trên có thể giúp bệnh nhân thêm khả năng chống chọi với bệnh tật.
Chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá phương pháp điều trị trên là cách thức tiếp cận "rất có cơ sở" để triển khai thử nghiệm, song đồng thời nhấn mạnh cần có thời gian để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bệnh nhân.
Trong một phát biểu với báo giới ở trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Mike Ryan - người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO - cho biết huyết tương đã được chứng minh là "có hiệu quả và cứu sống" nhiều bệnh nhân ở các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm bệnh dại và bệnh bạch hầu. Ông cho biết: "Đó là một lĩnh vực rất quan trọng để theo đuổi nghiên cứu. Bởi vì những gì huyết thanh globulin siêu miễn dịch có thể làm là tập trung các kháng thể ở một bệnh nhân đã hồi phục. Về cơ bản, bạn đang tăng cường hệ miễn dịch cho bệnh nhân mới để hy vọng họ vượt qua giai đoạn nguy kịch."
Theo ông Ryan, việc truyền dịch huyết tương từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19 để điều trị cho các ca nhiễm mới đang trong tình trạng nguy kịch đang được thử nghiệm ở Trung Quốc là cách làm hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra phương thuốc chống siêu vi cụ thể hay vắcxin để phòng ngừa sự lây lan của virus COVID-19. Quá trình phát triển và thử nghiệm thuốc có thể mất nhiều tháng và thậm chí nhiều năm.
Giới chức y tế Trung Quốc ngày 17/2 đã kêu gọi những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) tham gia hiến máu vì huyết tương trong máu của họ có thể dùng để chữa trị các bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Cho đến nay, việc sử dụng huyến tương của những người khỏi bệnh COVID-19 (nCoV) đã cứu được mạng sống của nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Giáo sư Lu Hongzhou - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng y tế cộng đồng Thượng Hải - cho biết trung tâm này đã thiết lập một khu vực chuyên biệt để tiến hành phương pháp truyền dịch huyết tương, đồng thời sàng lọc huyết tương từ những bệnh nhân sẵn sàng hiến tặng.
Những người tình nguyện hiến tặng huyết tương sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra xem họ có mắc các bệnh khác như viêm gan B hay C hay không.
Bên cạnh việc sử dụng liệu pháp truyền dịch huyết tương, các bác sỹ Trung Quốc cũng đang thử nghiệm hai loại thuốc kháng virus được cấp phép sử dụng trong các bệnh nhiễm trùng khác, để đánh giá tác động của các dược phẩm này đối với COVID-19
Phát biểu trong họp báo thường ngày tại Bắc Kinh, chuyên gia Guo Yanhong, thuộc Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã kêu gọi những bệnh nhân khỏi bệnh hiến huyết tương để đem lại hy vọng cho các bệnh nhân khác đang nguy kịch.
Hồi tuần trước, 11 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán đã được tiêm huyết tương của những người khỏi bệnh. Một trong số các bệnh nhân trên đã khỏi bệnh và xuất viện. Một người khác đã có thể đi lại, trong khi các bệnh nhân còn lại đều có dấu hiệu phục hồi.
Cũng theo ông Guo Yanhong, khoảng 90% bệnh nhân đang được áp dụng các pháp đồ điều trị kháng virus hoặc điều trị triệu chứng cùng các biện pháp hỗ trợ thở, hỗ trợ hệ tuần hoàn và nâng cao sức đề kháng giúp bệnh nhân hồi phục tốt và nhanh hơn. Ông khẳng định tình hình tại thành phố tâm dịch Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc đã được cải thiện đáng kể khi tỷ lệ các ca nguy kịch trong số những ca nhiễm virus đã giảm từ 38% ở thời điểm dịch khởi phát xuống mức hiện tại là 18%.
Vốn có bề dày lịch sử nghiên cứu y học dân gian, giới chức y tế Trung Quốc không thể bỏ qua các bài thuốc dân gian (TCM) trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 (nCoV).
Li Yu, quan chức của Cục quản lý nhà nước về Y học cổ truyền Trung Quốc khẳng định TCM đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân trong đợt dịch bệnh này. Ông dẫn chứng thuốc sắc "Qingfei Paidutang" đã được sử dụng trong điều trị cho 701 trường hợp được xác nhận nhiễm virus nCoV tại 10 tỉnh. Trong số đó, 130 ca đã được điều trị thành công và xuất viện, 51 ca hiện không còn triệu chứng, 208 ca đang tiến triển và 212 ca còn lại đang trong tình trạng ổn định. Bài thuốc này được khuyến nghị sử dụng trên toàn quốc từ ngày 6/2.
Quan chức này cũng chia sẻ các số liệu thống kê và phân tích cho thấy sau 6 ngày dùng bài thuốc này, tỷ lệ cắt sốt thành công là 94,6% (tổng số 112 bệnh nhân) và tỷ lệ giảm ho là 80,6% (tổng số 214 bệnh nhân).
Giới chức Trung Quốc kêu gọi kết hợp các phương pháp Đông y và Tây y trong quá trình điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19 (nCoV), yêu cầu giới chức các địa phương sử dụng TCM trong toàn bộ quá trình chẩn đoán và điều trị.
Linh Đức