Yên Bái: Hội nghị sản xuất sắn bền vững trên đất dốc các tỉnh phía Bắc
Dự Hội nghị có đại diện một số cục, vụ, viện và trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các hiệp hội, hội, doanh nghiệp, các tổ chức và nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực sắn; lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các huyện Văn Yên, Văn Chấn và Yên Bình…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước phát biểu tại Hội nghị. |
Sắn là cây trồng cho hiệu quả kinh tế tại Yên Bái
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết: Sắn là một trong những cây trồng có diện tích, sản lượng và có hiệu quả kinh tế khá tại tỉnh Yên Bái. Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ cần thiết là cơ cấu lại cây trồng, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, trong đó, sắn vẫn là cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế được định hướng giữ ổn định diện tích trên 8.000 ha, sản lượng đạt trên 160.000 tấn/năm. Tỉnh hiện có 02 doanh nghiệp chế biến sắn với 03 nhà máy sản xuất, công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm.
Để tiếp tục ổn định, duy trì diện tích và phát triển các kỹ thuật trồng sắn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương trong tỉnh phải xác định vị trí, tầm quan trọng của cây sắn, là cây phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân, đồng thời góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có cây sắn; tăng cường liên kết giữa vùng nguyên liệu và chế biến; hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến dây chuyền công nghệ trong bảo quản, chế biến, xỷ lý chất thải trong quá trình sản xuất; tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã được Hiệp hội Sắn Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Trung ương, các cơ quan nghiên cứu quan tâm, tư vấn, phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi giống mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản xuất sắn trên đất dốc. Hiện nay, diện tích canh tác sắn bền vững trên đất dốc để bảo vệ đất chống xói mòn đạt trên 1.000 ha/năm. dồng thời, các giống sắn mới như BK, SA có năng suất, hàm lượng tinh bột cao tiếp tục được phát triển tại các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh. Năng suất củ tươi các giống sắn mới đạt 47,5 tấn/ha, cao hơn 20 - 25 tấn so với các giống sắn khác trồng tại địa phương.
Tỉnh Yên Bái cũng mong muốn qua Hội nghị sẽ khuyến khích nhân dân, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ quan quản lý tích cực, đồng bộ thực hiện các giải pháp để phát triển sản xuất sắn bền vững, đồng thời thực hiện tốt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị. |
Cần ban hành quy trình canh tác sắn trên đất dốc theo hướng bền vững
Để sản xuất cây sắn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các tỉnh phía Bắc, các đại biểu đề nghị cần ban hành quy trình canh tác sắn trên đất dốc theo hướng bền vững, phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sinh thái; tổ chức sản xuất giống sắn sạch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến; rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về sắn và sản phẩm từ sắn; phát triển các quy trình kỹ thuật chế biến sắn và sản phẩm từ sắn phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo tạo thuận lợi đầu ra cho các vùng trồng sắn trên đất dốc…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng: Thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cho thấy sự phát triển sắn ở các tỉnh phía Bắc còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như: nhận thức của người dân và một số địa phương về cây sắn còn chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn coi cây sắn là cây trồng có ảnh hưởng đến chất lượng đất hay sản xuất nông nghiệp nói chung; trồng sắn theo hình thức quảng canh, không đầu tư, sản xuất bị động, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu còn hạn chế; thiếu đầu tư nghiên cứu kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc dẫn đến năng suất thấp; còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để định hướng cho việc đầu tư, phát triển ngành hàng sắn…
Qua các ý kiến tham luận cho thấy nếu việc đầu tư chế biến sắn được quan tâm sẽ mở ra triển vọng phát triển tốt, từ đó, có cơ hội để phát triển mạnh các diện tích sản xuất sắn bền vững trên đất dốc trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung phát biểu kết luận Hội nghị. |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đề nghị trong thời gian tới cần rà soát xây dựng các quy trình sản xuất sắn trên đất dốc theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện sinh thái; các viện, doanh nghiệp trong Hiệp hội Săn Việt Nam tiếp tục nghiện cứu chọn tạo các bộ giống chất lượng hơn với hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn; tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất sắn bền vững trên đất dốc, có quy trình hoàn thiện để người trồng sắn dễ áp dụng thực tế.
Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn diện cho người dân và cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương về vai trò, hiệu quả kinh tế của cây sắn mang lại, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất sắn trên đất dốc bền vững; xây dựng chính sách bài bản, căn cơ, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật cho người dân…