Bắc Ninh: Sản xuất thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái
Mục tiêu cụ thể được ngành Nông nghiệp đặt ra trong giai đoạn 2022-2025: Diện tích nuôi trồng, 4.800 ha; sản lượng thủy sản 42.000 tấn; tốc độ tăng trưởng 1,2%/ năm. Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng sẽ bị thu hẹp nhường đất cho phát triển công nghiệp, đô thị hóa, chỉ còn 4.500 ha, sản lượng thủy sản khoảng 40.000 tấn, nhưng vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng 1,2%/ năm, giá trị sản xuất đạt 300 triệu đồng/ ha mặt nước. Hoạch định đến năm 2045, diện tích nuôi trồng chỉ còn 4.300 ha đòi hỏi ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại (80% diện tích nuôi trồng), có sự liên kết chặt chẽ trong các khâu sản xuất- tiêu thụ mới có thể bảo đảm an ninh dinh dưỡng, cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm thủy sản nội tỉnh và có khả năng xuất khẩu.
Để sản xuất thủy sản trở thành ngành kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, chủ động giám sát, có phương hướng xử lý kịp thời môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh, vừa bảo đảm tái tạo nguồn lợi thủy sản, vẫn cân bằng hệ sinh thái trong mọi hoàn cảnh; phát triển các mô hình, vùng nuôi thủy sản đặc sản giá trị kinh tế cao gắn với các hoạt động tham quan, giáo dục, du lịch sinh thái; cải tạo, nâng cấp hạ tầng sản xuất giống thủy sản nhằm nâng cao năng lực quản lý, tiếp nhận giống thủy sản gốc và bổ sung, thay thế đàn giống cá bố mẹ phục vụ nhu cầu sản xuất đủ giống cho nuôi cá thâm canh toàn tỉnh; xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất gồm con giống, thức ăn, sơ chế, chế biến, bảo quản, thương mại thủy sản, tạo giá trị kinh tế cao, bền vững trên một ha canh tác.
Tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh sản xuất giống thủy sản theo phương châm tiếp nhận, thay thế bổ sung đàn thủy sản giống gốc, giống bố mẹ và kỹ thuật sản xuất các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, toàn tỉnh Bắc Ninh hình thành 162 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung có diện tích từ 10 ha trở lên, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất thủy sản theo hướng hàng hoá, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi theo hướng VietGap. Chi cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ trang trại, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển công nghệ nuôi hiện đại theo hướng thâm canh, siêu thâm canh mới như: Công nghệ nuôi cá sông trong ao; Biofloc, nuôi tuần hoàn ít thay nước… kỳ vọng tạo bước đột phá trong sản xuất thủy sản ở những năm tới do các công nghệ trên có ưu điểm quản lý tốt môi trường, dịch bệnh, tăng năng suất cá nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Chi cục cũng quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật các cấp về chuyên môn, kỹ năng quản lý; chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân và hỗ trợ sản xuất thủy sản theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, nhằm tạo sự đột phá về năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế.
Tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh sản xuất giống thủy sản theo phương châm tiếp nhận, thay thế bổ sung đàn thủy sản giống gốc, giống bố mẹ và kỹ thuật sản xuất các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi, sinh trưởng mạnh, nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng cá giống nuôi thương phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời rà soát, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản tập trung trong ao đất; nuôi cá lồng trên sông theo hướng thâm canh, siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện đa dạng hình thức nuôi, đối tượng nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh và xuất khẩu. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực thủy sản theo hướng bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn VietGAP tạo sản phẩm sạch, an toàn, từng bước đưa sản xuất thủy sản trở thành ngành kinh tế hàng hóa có giá trị.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ, kết nối hiệu quả liên kết “4 nhà” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… là hướng đi đúng đắn, trọng tâm sản xuất thủy sản trong tình hình mới, bắt nhịp xu thế hội nhập và phát triển.