Truy xuất nguồn gốc để giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là quá trình theo dõi, ghi nhận và cung cấp thông tin đầy đủ về "hành trình" của thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển và đến tay người tiêu dùng.
Theo đó, thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại như mã vạch, QR code, RFID (nhận diện tần số vô tuyến), người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng và các thông tin liên quan đến thực phẩm trước khi quyết định sử dụng.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và thương mại hàng hóa. Các tiêu chuẩn quốc tế như GS1, ISO 22005 cũng đang trở thành thước đo chung để đánh giá khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.
Nếu các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn này, sẽ giúp cải thiện quy trình sản xuất của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...
Theo các chuyên gia, giải pháp truy xuất nguồn gốc cần gắn kết chặt chẽ với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Điều này vừa tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, vừa mở ra những cơ hội giao thương và hợp tác quốc tế, giúp sản phẩm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Truy xuất nguồn gốc để giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm |
Cần tăng cường khâu giám sát
Tại Hà Nội, thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua cơ quan này đã kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống trong khu vực sân bay trên địa bàn. Kết quả cho thấy, có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn. Xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm tại các cơ sở này cũng cho thấy 190/190 mẫu đạt yêu cầu.
Để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, tại nhiều huyện, xã của Hà Nội cũng đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng địa phương cũng tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm |
Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm
Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, hiện các ngành chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Trong đó, tập trung vào công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Riêng tại Hà Nội, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao.
Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tập trung vào khâu hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm...
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm vào tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, thời gian qua, các bộ, ngành, nhất là các bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp về bảo đảm ATTP có nhiều cố gắng, đạt được kết quả tích cực. Nhìn chung, chúng ta đã đi đúng hướng và các giải pháp đối với vấn đề này đã và đang phát huy tác dụng, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Nguy cơ mất ATTP vẫn hiện hữu. Trong đó, có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng… Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu của xã hội ngày càng cao nhưng còn khoảng cách lớn giữa nguồn lực và khả năng đáp ứng của chúng ta đối với công tác này.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về ATTP, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung. Giải pháp phải khả thi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý đề xuất của TPHCM liên quan đến việc sử dụng bộ test nhanh ATTP.