Bệnh tim mạch gia tăng bởi ô nhiễm tiếng ồn
Ngày nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh những yếu tố tích cực, thay đổi nhiều chất lượng cuộc sống, nhưng không tránh khỏi những yếu tố nguy cơ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong các yếu tố đó, không thể không nói đến tiếng ồn nơi đô thị.
Từ lâu, đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tai (thính giác), tới giấc ngủ, hành vi con người trong cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch...
Các nhà chuyên môn chỉ ra rằng người dân sống ở đô thị thành phố, đặc biệt sống gần đường cao tốc, đường sắt, hay các khu phố có nhiều xe qua lại, gần nhà máy công xưởng thì tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp tăng hơn 15 - 20 lần so với vùng nông thôn.
Ngoài ra, nếu nghe liên tục tiếng ồn ở mức lớn hơn 70dB (đề xi ben - đơn vị đo cường độ âm thanh) có thể tăng nguy cơ bệnh nhồi máu cơ tim, một nguyên nhân dẫn đến đột tử. Vì thế, tại các đô thị ở nước ta hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đã và đang là vấn đề đáng lo ngại.
Đo thính lực cho bệnh nhân.
Tại sao tiếng ồn lại gây ảnh hưởng đến bệnh tim mạch?
Các nhà khoa học cho rằng tiếng ồn là thủ phạm kích thích cơ thể tăng tiết ra các chất như cathecholamin, cortison, serotonin... Các chất này bình thường tham gia vào điều phối các hoạt động bình thường của cơ thể trong đó có hoạt động của hệ tim mạch.
Khi thay đổi nồng độ các chất này khiến cho nhịp tim nhanh, tăng huyết áp. Bên cạnh đó, tiếng ồn khiến cho người dân căng thẳng (stress), ảnh hưởng đến giấc ngủ, lâu dài sẽ dẫn đến mất ngủ, thiếu ngủ thường xuyên, đây cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng bị tăng huyết áp, rối loạn hoạt động của tim.
Có thể phòng tránh?
Hiện nay, đa số người dân còn thờ ơ và chưa ý thức được tác hại của tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe, vẫn sống chung với nó và thích nghi đến nỗi coi đó là điều bình thường, không quan tâm đến tác hại của nó. Chỉ khi thực sự có bệnh hay ảnh hưởng đến thính lực thì người dân mới “sợ” tiếng ồn, nhưng khi đó thì muộn rồi. Vì thế, để phòng tránh tác hại của tiếng ồn, mọi người trước tiên cần ý thức được các mối nguy cơ thực sự của tiếng ồn tác động đến sức khỏe, đặc biệt là tim mạch.
Nhưng thực tế, chúng ta khó có thể làm thay đổi được tiếng ồn tại nơi sinh sống và làm việc, vì thế, cách tốt nhất đối với mỗi cá nhân là biết cách tự bảo vệ mình như hãy bịt tai bằng hai tay hay dùng nút tai khi gặp tiếng ồn quá lớn. Chúng ta có thể yêu cầu hạ bớt cường độ âm thanh tại các nhà hàng, quán ăn..., không nên dùng các máy nghe nhạc với mức âm thanh lớn và liên tục. Với các nhân viên lao động trong môi trường có tiếng ồn cao, nhất thiết cần đội mũ chống ồn.
Thực trạng tiếng ồn tại các khu đô thị tại Việt Nam:
Hầu hết các khu đô thị trong nước chưa chú trọng đến ô nhiễm tiếng ồn. Cùng với lượng các loại xe cộ tham gia giao thông ngày càng tăng, đường phố chật hẹp và dân cư đông đúc khiến cho tiếng ồn tại khu vực đường phố càng trở nên đáng lo ngại. Bên cạnh đó, tiếng ồn từ các nhà máy công nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người lao động cũng như dân cư sống xung quanh.
Ðó là những tiếng ồn đến từ môi trường sống và lao động. Tuy nhiên, có loại tiếng ồn do chính người dân tự nhận lấy - đó là những âm thanh từ các máy nghe nhạc với cường độ lớn hay tại các vũ trường... Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, chắc chắn ngoài ảnh hưởng đến thính lực sẽ tác động xấu đến hệ tim mạch.
Trong khi đó, tại các nước phát triển, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn rất được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Ðây cũng là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm các stress cũng như các bệnh tim mạch.
Theo BS Ngô Tuấn Anh - Sức khỏe và Đời sống