An Giang tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bệnh cúm gia cầm
Nỗ lực của lực lượng chức năng
Tỉnh An Giang có tuyến biên giới với chiều dài khoảng 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia); có 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính là Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông; 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Địa hình bằng phẳng, kênh rạch chằng chịt, nhiều đường mòn, lối mở qua lại dọc biên giới; nhất là khu vực của khẩu, người dân hai bên khu vực biên giới qua lại làm ăn, buôn bán, thăm thân thường xuyên… tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường về an ninh trật tự và dịch bệnh.
Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên luôn sôi động về giao thương hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia, nhất là thời điểm này đang là cao điểm của mùa thu hoach nông sản, nên việc mua bán, giao thương hàng hóa lại càng sôi động hơn. Mỗi ngày tại cửa khẩu này có hàng trăm lượt người, xe tải của thương nhân Việt Nam và Campuchia qua lại cửa khẩu để mua bán, giao thương hàng hoá nông sản như: Lúa tươi, trái cây và một số mặt hàng gia dụng…
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra các phương tiện ra vào cửa khẩu. |
Để ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, các lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ việc trao đổi hàng hóa, nhất là xuất, nhập khẩu gia súc, gia cầm, thực hiện nghiêm quy định về công tác kiểm soát dịch bệnh; đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó trưởng khoa Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh An Giang cho biết: Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng mở rộng với các nước trên thế giới nói chung và An Giang với các tỉnh biên giới Campuchia nói riêng như hiện nay, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào An Giang bất cứ lúc nào và có thể lây lan sang người là rất lớn.
“Trước diễn biến phức tạp dịch cúm giá cầm A/H5N1, để kiểm soát, ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh An Giang phối hợp với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên tuyên biên giới đã và đang giám sát chặt chẽ người nhập cảnh thông qua hệ thống đo thân nhiệt hồng ngoại từ xa. Khi phát hiện trường hợp sốt cao trên 380C, kèm theo các dấu hiệu và yếu tố dịch tễ có liên quan, chúng tôi sẽ đưa sang khu cách ly y tế tạm thời để tiến hành khám sàng lọc và thu thập thêm thông tin. Đối với các trường hợp nghi ngờ, chúng tôi sẽ báo về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo; khi cần thiết sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế địa phương đưa trường hợp nghi ngờ về cơ sử y tế”, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc chia sẻ thêm.
Kiểm soát cửa khẩu qua lại biên giới An Giang. |
Bộ đội Biên phòng là lực lượng chủ chốt thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, trong việc kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu, người nhập cảnh… Thiếu tá Nguyễn Văn Phát Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, cho biết, cũng như các đơn vị khác, cán bộ, chiến sĩ đơn vị, bất chấp điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nắng, nóng gay gắt của mùa khô, thường xuyên tuần tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng kiểm dịch ở trên biên giới để kiểm tra kiểm soát người, phương tiện qua lại khu vực cửa khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; không để dịch bệnh lây lan qua biên giới”, Thiếu tá Nguyễn Văn Phát Anh nói.
Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bệnh cúm gia cầm, trạm kiểm dịch động vật tại cửa khẩu đã và đang tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, các sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam.
Theo Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bắt giữ 5 vụ, với 7 đối tượng, xử phạt hành chính là hơn 20 triệu đồng.
Triển khai nhiều biện pháp thiết thực
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, nhất là việc kiểm soát chặt cửa khẩu, biên giới chủ động phòng dịch cúm gia cầm A/H5N1, không để xâm nhập vào địa phương.
Các phương tiện được kiểm soát chặt chẽ qua lại biên giới. |
“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, đường tắt qua lại biên giới; quyết liệt đấu tranh bắt giữ các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; không để dịch bệnh lây lan qua biên giới. Nắm chắc tình hình địa bàn nội, ngoại biên, chủ động nắm từ xa, quản lý chặt chẽ các đối tượng, qua đó để xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức lực lượng đánh bắt đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ đạo các đơn vị, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể của địa phương… làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức pháp luật, đẩy mạnh phong trào toàn dân tố giác tội phạm, không tham gia, tiếp tay, bao che cho các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới”, Đại tá Trần Quốc Khánh khẳng định.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang và Campuchia kiểm soát cửa khẩu. |
Còn tại nội địa, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo, các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam; phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường; kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, không báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.