Giải pháp thích ứng với vi rút corona
Thích ứng là yêu cầu tất yếu đặr ra từ thực tiễn
Dù phải trả giá đắt nhưng đến giờ này đã có đủ cơ sở nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để nhận định vi rút corona không thể bị diệt tận gốc trong điều kiện của một quốc gia, một địa phương đơn độc ngay trong hôm nay, năm nay mà phải có sự chung tay của cả thế giới trong nhiều năm tới hoặc nó tự biến mất trong môi trường tự nhiên.
Vi rút corona đã biến chủng từ thể Alpha thành các thể khác, nhất là thể Delta đang hoành hành với khả năng lây lan nhạy hơn 1,4 lần (do tốc độ nhân bản khiến tải lượng gia tăng gấp nhiều lần) song "độc lực" gây tử vong chỉ bằng 1/10 so với thể Alpha. Hàng triệu người nhiễm vi rút trong và ngoài nước đã cho thấy bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm và lây cho người khác qua đường giọt bắn, hạt khí dung, tiếp xúc trực tiếp trong không gian kín, giao tiếp gần. Nhưng 80% người bị nhiễm đều không có triệu chứng, 15% có triệu chứng trung bình tự phục hồi, chỉ có khoảng 5% chuyển biến nặng và trong đó có từ 0,5 - 1% diễn tiến rất nặng.
Các nghiên cứu cũng đã phân tích rõ vi rút này chỉ có thể gây chuyển biến nặng đối với người lớn tuổi, già yếu, bệnh nền, béo phì, còn người trẻ khoẻ chuyển nặng thì rất hi hữu, hầu hết là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng thể nhẹ, tự phục hồi mà không cần hỗ trợ, can thiệp điều trị, đặc biệt đối với trẻ em thì nguy cơ của loại vi rút này còn thấp hơn cúm mùa. Người sau nhiễm cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch tự nhiên, tốt hơn miễn dịch nhân tạo (vắc xin).
Vắc xin Nanocovax đang trong tiến trình hoàn thiện quy trình để có thể tổ chức sản xuất trong nước
Cùng với quá trình nhận biết về vi rút corona, quá trình nỗ lực kiềm chế lây lan thời gian qua thế giới đã nghiên cứu bào chế thành công nhiều loại vắc xin, thuốc điều trị. Nước ta cũng đang khẩn trương hoàn thiện công trình nghiên cứu vắc xin Nanocovax và mới đây đã hợp tác sản xuất thành công lô đầu tiên vắc xin Sputnik V nội địa. Trong nước đã có trên 30% dân số được tiêm phòng Covid-19 và đang đẩy nhanh tiến độ phủ vắc xin để có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong những tháng tới.
Điều đáng lưu ý, giới khoa học cũng đã chỉ rõ rằng dù vi rút corona có thể bẻ gãy chui qua hàng rào hệ miễn dịch nhân tạo của người đã được tiêm văc xin nhưng không thể gây bệnh mà chỉ kích thích tăng cường thêm kháng thể cho người khoẻ mạnh. Nó chỉ có thể xâm lấn tấn công các bộ phận trong cơ thể khi hệ miễn dịch yếu ớt của người già, bệnh nền, béo phì... không còn khả năng sản sinh kháng thể tuy nhiên những trường hợp này chỉ là tỷ lệ rủi ro, hi hữu và cũng đã có liệu pháp can thiệp tích cực, hiệu quả bằng các loại thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng vi rút... đang không ngừng được nghiên cứu, hoàn thiện, ứng dụng kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiểm tra quy trình triển khai chương trình nghiên cứu
đưa thuốc Molnupiravir vào điều trị có kiểm soát theo Quyết định của Bộ Y tế.
Những thành tựu đạt được từ quá trình nỗ lực kiềm chế vi rút lây lan và nghiên cứu khoa học cùng với nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách đòi hỏi từ thực tiễn đời sống xã hội đã đến lúc phải thay đổi chiến lược thích ứng với vi rút corona để tồn tại và phát triển.
Bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao là trọng tâm các giải pháp
Từ các nghiên cứu nhận diện cho thấy giải pháp cơ bản và cấp bách nhất để tiến hành lộ trình thích ứng với vi rút corona là phải xác định rõ nhóm đối tượng (lớn tuổi, bệnh nền, béo phì...) có nguy cơ chuyển biến nặng để có biện pháp bảo vệ an toàn. Căn cơ nhất là tập trung tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho họ, để hạn chế tối đa tình trạng chuyển nặng, dẫn đến tử vong.
Trong điều kiện thiếu vắc xin, cần có biện pháp nâng cao ý thức, trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho cá nhân, hộ gia đình tại nơi ở của họ, có sự hỗ trợ của chính quyền. Thậm chí, tình huống cần thiết có thể chuyển đổi công năng các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thành các khu an toàn tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ cao để bảo vệ trong ngắn hạn, chờ tiêm đủ vắc xin có kháng thể thì mới hoà nhập cộng đồng.
Để ứng phó với rủi ro có thể có từ nhóm đối tượng nguy cơ cao này và có thể có đối với các trường hợp hi hữu khác, cần tập trung đầu tư khâu điều trị bệnh covid nặng với các thiết bị hỗ trợ ô xi, tích cực tiếp cận cập nhật, cải tiến liệu pháp can thiệp điều trị, các loại thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng vi rút,... đã có và đang ngày càng được cải thiện.
Các biện pháp hành chính cũng cần hướng tập trung vào yêu cầu bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao. Cụ thể là các quy định của Chỉ thị 16 có thể thu hẹp phạm vi điều chỉnh, siết chặt di chuyển của nhóm đối tượng có nguy cơ cao để bảo vệ họ và buộc các nhóm đối tượng khác tuân thủ nguyên tắc 5K trong quá trình tham gia sinh hoạt, lao động, làm việc, hạn chế lây lan ra cộng đồng, giảm thiểu khả năng lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Những trường hợp nhiễm, có triệu chứng thể nhẹ nhưng trẻ khoẻ, không bệnh nền vẫn có thể hoạt động trong phạm vi hộ gia đình, làm việc online, thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi với sự chăm sóc của gia đình và hỗ trợ kịp thời của mạng lưới y tế cơ sở.
Việc hợp tác tổ chức sản xuất vắc xin Sputnik V đã đi đến kết quả
Người trẻ khoẻ đã tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin dù có thể bị nhiễm nhưng không có triệu chứng, không có bệnh, cần phải được vận động nâng cao thể lực, cải thiện tinh thần trong lao động, sinh hoạt bình thường, đảm bảo thu nhập, tăng cường dinh dưỡng để phục hồi tốt hơn đồng thời nuôi gia đình, trên ruộng, vườn của họ hoặc trong công xưởng, nhà máy, với điều kiện mọi người phải tuân thủ nguyên tắc 5K. Nguyên tắc 5K cũng là điều kiện cần thiết, khuyến khích lực lượng trẻ khoẻ, chấm dứt tình trạng hoang mang để tự tin hăng hái lao động, làm ăn, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường.
Chính quyền điều hành chính sách hỗ trợ nhất là nguồn lực tài chính đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh. Các biện pháp nâng cao ý thức, kỹ năng tự bảo vệ cho cá nhân, gia đình cần phải được chú trọng tăng cường để giảm dần việc nhà nước tổ chức tầm soát diện rộng trong cộng đồng, khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm khi có nhu cầu xác định tình trạng sức khoẻ để quyết định liệu pháp điều trị phù hợp hoặc khám sức khoẻ để tham gia lao động, làm việc trong các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp.
Ngành y tế nâng cao chất lượng khám sức khoẻ cho người xin việc, chú ý đáp ứng yêu cầu sàng lọc nhóm đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng buộc phải tiêm vắc xin. Phối hợp chính quyền địa phương, ngành LĐTB&XH tăng cường giám sát các chủ thể sử dụng lao động trong việc tuân thủ các quy định pháp lý sẵn có (Luật Lao động, Nghị định, Thông tư,...) để tuyển dụng lao động đúng tuổi, thực hiện các quy định về BHXH, ứng dụng công nghệ, để quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khoẻ người lao động. Trên cơ sở thẩm định, sàng lọc của ngành y tế, chấp hành Luật Lao động, các chủ thể sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức và giám sát người lao động tuân thủ nguyên tắc 5K để duy trì hiệu suất hoạt động ổn định. Theo đó, tháo gỡ các trở ngại về chi phí xét nghiệm và miễn trừ trách nhiệm pháp lý về hành vi gây lây lan dịch bệnh đang bị gán ghép ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp, để họ tự tin, mạnh dạn đầu tư khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, khẩn trương kết nối chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ đang bị đứt gãy, đáp ứng yêu cầu phục hồi nền kinh tế.
Cần phải nhấn mạnh rằng việc xác định nhóm đối tượng (già yếu, bệnh nền, béo phì,...) có nguy cơ chuyển biến nặng và triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn là trọng tâm xuyên suốt, tiên quyết, cấp bách phải được chú trọng triển khai trong lộ trình chung sống thích ứng với vi rút corona.
Đây cũng chính là giải pháp "dựa vào dân", huy động sức dân, chăm sóc sức khoẻ cho dân, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tiễn đời sống Nhân dân để thực hiện bước ngoặt chiến lược, tranh thủ thời cơ thu hút nguồn lực đầu tư, đưa đất nước vượt qua thách thức, đạt mục tiêu kép, phát triển trong thời kỳ mới.
HÙNG LONG