Bình Thuận: Đất tặc lộng hành gây hệ lụy lớn
Hàng chục ha đất nông nghiệp giờ thành biển hồ
Xẻ thịt đất nông nghiệp thành “biển hồ”
Trong chiều mưa nặng hạt, từ Quốc lộ 1A, chúng tôi nhọc nhằn vượt qua hàng chục cây số, băng qua khe suối, nương rẫy mới đến ấp Tà Mon, xã Tân Lập, thuộc huyện Hàm Thuận Nam và ấp Tân Hòa, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây được đánh giá có trữ lượng đất sét khổng lồ, nên nhiều “đất tặc” khai thác trái phép hoặc khai thác ngoài ranh giới được cơ quan chức năng cấp phép.
Tiếp tục đi xuyên qua rừng keo, rừng bạch đàn bạt ngàn mới tới địa điểm khai thác đất sét bất hợp pháp. Đập vào mắt phóng viên là hàng trăm héc- ta đất nông nghiệp bị đào bới “nham nhở” thành những hồ nước rộng mênh mông có độ sâu đến hàng chục mét.
Qua khảo sát tại thửa 389, tờ bản đồ 39, diện tích 11.266 m2 đất, thuộc thôn Tân Quang, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân cùng với thửa 62, tờ bản đồ 67, diện tích 7867 m2 và thửa 71, tờ bản đồ 66, diện tích 3.346 m2 thuộc thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam là đất trồng lúa nước và trồng cây lâu năm. Tất cả đều bị những đối tượng khai thác đất sét trái phép, tàn phá tan nát như những hố bom, bãi chiến trường.
Bên cạnh các thửa đất nói trên, còn có hàng chục héc-ta đất nông nghiệp ngoài ranh giới được cấp phép cho các công ty thăm dò khoáng sản cũng bị các đối tượng khai thác. Những diện tích đất này từng là ruộng mà người dân canh tác trồng lúa, trồng cây lâu năm, giờ biến thành hố sâu, vực thẳm.
Ông N.D.S người dân địa phương cho biết: “Khu vực thôn Tà Mon và thôn Tân Quang có rất nhiều hố sâu thẳm. Người dân đi làm nương rẫy lâu năm như tôi còn không biết đường tránh. Đối với những người già, trẻ em đi lại gần đây rất nguy hiểm. Đặc biệt là vào ban đêm rất dễ rơi xuống hố sâu, kể cả trâu, bò nếu sa chân rơi xuống cũng thì không thể thoát chết”.
Theo người dân, tại các điểm khai thác trái phép này thường xuyên xuất hiện xe múc và có tới 30 đến 40 xe tải ben đến để khai thác, vận chuyển đất sét, gây nhiễu loạn cả vùng dân cư. Các khu vực bị khai thác trái phép nằm ngoài ranh các mỏ đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò khoáng sản sét gạch ngói cho Công ty cổ phần Sông Lam và Công ty TNHH Tân Tân để cung cấp cho các lò gạch trên địa bàn huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận mời họp xử lý vụ việc khai thác tài nguyên trái phép xong đâu lại vào đấy.
Chính quyền có vô trách nhiệm để “đất tặc” lộng hành?
Theo tìm hiểu của phóng viên, bề mặt của các mảnh đất nông nghiệp này là đất pha cát, đào sâu khoảng một mét là tới tầng đất sét. Đây được coi là vùng đất “màu mỡ” cho các chủ đầu nậu khai thác đất sét không giấy phép. Hơn nữa là vùng giáp ranh giữa hai huyện, lại xa khu dân cư, ít người qua lại nên việc khai thác đất sét của các đầu nậu lại càng ngang nhiên, thách thức pháp luật.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận thì trường hợp ông Đỗ Tài là thường xuyên vi phạm về hoạt động khai thác khoán sản trái phép trên địa bàn huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam. Để tìm hiểu rõ thông tin phóng viên đã làm việc với ông Huỳnh Tấn Khôi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam, vị trưởng phòng này cho biết: “Vụ việc khai thác đất sét ở địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thì UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền, xác minh làm rõ”.
Còn theo ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch UBND xã Sông Phan cũng thừa nhận các ao hồ này gây nguy hiểm cho người dân: “Trên địa bàn xã Sông Phan có nhiều ao, hồ rộng lớn do khai thác khoáng sản đất sét. Để bảo đảm tính mạng cho người dân, UBND xã sẽ phối hợp với huyện tuyên truyền cho người dân phòng tránh đi vào hố sâu, nguy hiểm và kiến nghị cấp có thẩm quyền để hoàn thổ”.
Theo vị Chủ tịch xã Sông Phan, giải pháp trước mắt là địa phương đang tận dụng nguồn đất, đá loại bỏ của đơn vị làm đường cao tốc trên địa bàn xã Sông Phan. Bởi vì trong quá trình thi công xây dựng đường cao tốc sẽ có những phần đất, núi gồ và sẽ san bằng vận chuyển về san lấp.
Những khu vực từng là đất nông nghiệp giờ không thể canh tác được |
Như vậy, việc khai thác đất sét trái phép này không chỉ hủy hoại, tàn phá tài nguyên môi trường tự nhiên; gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước mà còn để lại nhiều hệ lụy cho người dân. Trả lời báo chí, bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận từng phát biểu: “Để góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, chính quyền cấp xã, huyện phải vào cuộc quyết liệt. Nếu địa bàn nào trong tỉnh Bình Thuận để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển, bố trí công tác khác”.
Dư luận và người dân đặt câu hỏi tại sao chính quyền các cấp vẫn không xử lý tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, “đất tặc” vẫn ngang nhiên khai thác tài nguyên đất sét, tàn phá đất nông nghiệp, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá này.