Chủ đầu tư thất hứa, đẩy dân vào thế khó
Hứa người này nhưng bán cho người kia
Trình bày với PV, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, gia đình bà có hơn 2.000 m2 đất ở Thới Thuận, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ bị ảnh hưởng bởi dự án chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống của huyện Cờ Đỏ do Công ty CP đầu tư CADIF (Công ty CADIF) làm chủ đầu tư.
Năm 2017, bà Dung chấp nhận bàn giao mặt bằng cho dự án, nhận bồi hoàn nếu Công ty CADIF đồng ý bán một nền đất kinh doanh với giá giảm 20% theo quy định cho bà.
“Nền đất kinh doanh này sẽ tiếp nối vào một thửa đất còn lại của tôi. Được như vậy, sẽ thuận tiện cho gia đình tôi kinh doanh. Công ty đã đồng ý, cam kết trong biên bản làm việc nhưng sau đó không thực hiện”, bà Dung trình bày.
Cũng trong năm 2017, Công ty CADIF có Công văn gửi UBND huyện Cờ Đỏ với nội dung về việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại dự án. Theo đó, đối với trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng có đất mà không có nhà tại dự án (không đủ điều kiện xem xét mua nền tái định cư) thì Công ty sẽ xem xét bán nền tại các vị trí với giá giảm 20% giá kinh doanh (cụ thể là 16,5 triệu đồng/m2).
Cuối năm 2021, UBND huyện Cờ Đỏ có hai quyết định thu hồi đất của bà Dung với tổng diện tích gần 50 m2 (trong phần đất 165 m2). Khi đất xung quanh của các hộ khác đã thu hồi, phân nền để bán cho các trường hợp đủ điều kiện, bà Dung sốt ruột trông vào lời hứa của Công ty CADIF bán nền kinh doanh cho mình nhưng mãi không có kết quả.
Đến tháng 4/2024, bà Dung bất ngờ nhận được thông báo, gần 50 m2 đất của mình sẽ không bị thu hồi nữa.
Tương tự, ông Võ Văn Kiệt có đất cặp ranh với bà Dung cho biết: Gia đình ông có một phần đất bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo chỉnh trang và cải thiện môi trường sống của huyện Cờ Đỏ. Ông Kiệt trình bày thêm: Phần đất này của thuộc diện bị thu hồi, vốn dĩ gia đình chúng tôi đang kinh doanh trên phần đất đó nhưng phải bị ngưng sử dụng hơn 10 năm qua do Công ty CADIF đã san lấp và đê bao xung quanh.
Ông Kiệt cũng được Công ty CADIF hứa bán cho một nền kinh doanh liền kề đất của ông với giá giảm 20% theo quy định nhưng đến nay vẫn không thực hiện. Cũng như bà Dung, ông Kiệt mới đây mới hay phần đất của mình sẽ không bị thu hồi nữa.
Điều đáng nói là vị trí nền mà ông Kiệt, bà Dung “ấp ủ” để mua và tin vào lời hứa của Công ty CADIF đã được Công ty này bán cho hai hộ dân khác.
Vị trí đất của bà Dung và ông Kiệt bị thu hồi rồi không thu hồi nữa. |
Đất tăng từ 16,5 triệu đồng lên 60 triệu đồng/m2
Sau nhiều năm không thực hiện lời hứa, đến ngày 30/5/2024, trong buổi làm việc ba bên gồm UBND thị trấn Cờ Đỏ, Công ty CADIF và ông Kiệt, bà Dung, đại diện Công ty cho biết vị trí nền mà ông Kiệt, bà Dung có nhu cầu mua, Công ty đã bán cho hai hộ dân khác.
Công ty CADIF ra điều kiện, nếu ông Kiệt đồng ý mua lại với giá 4,2 tỷ đồng (bao gồm 1 tỷ đồng để Công ty bồi thường cho hộ dân đã mua) thì Công ty sẽ bán cho ông Kiệt.
Tương tự, vị trí nền với diện tích 54 m2 mà bà Dung có nhu cầu nếu đồng ý mua lại với giá 4,1 tỷ đồng (bao gồm 1 tỷ đồng để công ty bồi thường cho hộ dân đã mua nền) thì Công ty sẽ bán cho bà Dung.
Ý kiến này vấp phải phản ứng của ông Kiệt, bà Dung vì ngay từ khi cam kết bán nền kinh doanh với giá giảm 20% theo quy định mỗi m2 đất có giá 16,5 triệu đồng (theo Công văn của Công ty CADIF) thì sau gần 7 năm đã được Công ty đẩy lên đến khoảng 60 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, bà Dung, ông Kiệt cho rằng, Công ty yêu cầu họ bỏ ra mỗi người 1 tỷ đồng để bồi thường tiền cọc do Công ty đã bán đất cho người khác là vô lý.
Trả lời tạp chí Sức khỏe và Môi trường về vấn đề giá đất “leo thang”, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Cờ Đỏ cho biết đơn vị không có điều tra, khảo sát giá đất ở khu vực này nên không xác định được. Còn việc Công ty CADIF hứa bán nền kinh doanh với giá ưu đãi cho dân, Phòng TN&MT cho biết UBND huyện có thẩm quyền xem xét và quyết định đối với chính sách tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Việc bán nền kinh doanh thuộc thẩm quyền của Công ty. Hộ dân có nhu cầu mua thì liên hệ với Công ty để được giải quyết.
Về việc đất của hai trường hợp trên bị thu hồi rồi lại không…thu hồi nữa, Phòng TN&MT cho biết, năm 2014, theo điều chỉnh cục bộ vị trí quy hoạch thì hai hộ dân trên bị ảnh hưởng một phần để thực hiện dự án. Còn theo điều chỉnh cục bộ vị trí quy hoạch chi tiết của dự án này vào năm 2023 thì phần đất của hai hộ dân nói trên (hộ ông Kiệt và bà Dung) thuộc diện tích quy hoạch “đất giữ lại” do nhà ở ổn định và phù hợp với quy hoạch chung. Do đó, Phòng TN&MT đang trình UBND huyện để thu hồi các quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt chi phí bồi thường đã ban hành trước đó.
Ông Kiệt trình bày tình trạng phần đất bị ảnh hưởng bởi dự án |
Điều đáng nói là “việc thu hồi rồi hết thu hồi khiến thửa đất ở vị trí đắc địa của ông Kiệt lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vị trí nền Công ty hứa bán cho gia đình ông thì Công ty đã bán cho người khác, đất của gia đình ông mặt còn lại giáp với đất nhà bà Dung, những phía còn lại nhà cửa đã xây hết thì gia đình ông lấy đâu còn có lối đi. Từ vị trí đắc địa đất nhà ông Kiệt gần như đã thành vô dụng.
Từ câu chuyện thu hồi đất do quy hoạch rồi sau 10 năm cũng do quy hoạch đất thu hồi thành “đất giữ lại” vì nhà ở ổn định dẫn đến việc hai hộ dân có đất đang ở ổn định, đặc biệt đất của gia đình ông Kiệt có vị trí đắc địa đang có nguy cơ trở thành đất gần như vô dụng. Tại sao phần đất đã hứa bán cho hai gia đình ông Kiệt và bà Dung chủ đầu tư lại bán cho hai hộ dân khác. Và với căn cứ nào giá đất đã được xác định bán cho gia đình bà Dung và ông Kiệt là 16,5 triệu đồng/m2 lại tăng lên thành 60 triệu đồng/m2, thêm nữa là nếu muốn mua được mỗi hộ phải đền bù 1 tỷ đồng? Phải chăng chủ đầu tư đang bắt ép dân (?)