Huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước: Nỗi khổ của người dân khi xây dựng đập nước Đarana
Trong quá trình thực hiện Chuyên đề: “Bảo đảm môi trường sống cho người dân: Góc nhìn từ công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đền bù gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe đời sống người dân” nghiên cứu trên địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, phóng viên Tạp chí Sức khỏe & Môi trường đã tổ chức ghi nhận thực tế tại xã Đức Liễu, Bù Đăng.
Theo thông tin người dân cung cấp, nhiều hộ dân trong khu vực đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề về việc dự án Đarana đền bù không thỏa đáng, khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Bảy năm ngập trong nước, không nguồn thu nhập
Gia đình ông Lê Tiến Điện là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Suốt 7 năm qua, khu đất của gia đình ông chìm ngập trong nước, do mực nước từ đập Darana dâng cao. Gia đình của ông Lê Tiến Điện, có tổng diện tích 1,6 ha đất chia làm 5 thửa tất cả có 5 sổ. Trên đất có thổ cư, có nhà ở, có các công trình chăn nuôi, có 126 m đường nhựa liên thôn, liên xã thuộc khu vực nông thôn. Nay Nhà nước thu hồi làm công trình phúc lợi đắp đập chứa nước cho dân và bồi thường gia đình ông Điện với giá 368.000.000đ (ba trăm sáu mươi tám triệu đồng). Gia đình ông Điện không thể mua được đất ở và canh tác.
Cây ăn trái và hoa màu chết rụi nằm ngập trong bãi nước mênh mông |
Theo quy định của UBND tỉnh Bình Phước, người mất hết đất nông nghiệp sản xuất thì được đền bù 1000 m2/người, gia đình ông Điện phải được cấp tái định cư 4 lô theo đất ở nông thôn (thực tế gia đình ông mới chỉ được cấp 3 lô là không đúng). Do đền bù không thỏa đáng nên gia đình ông Điện không nhận số tiền trên.
Công việc thanh toán giải tỏa, đền bù chưa giải quyết xong nhưng chính quyền địa phương và Ban dự án đã cho tiến hành thi công. Gia đình ông Điện bị thu hồi sổ đất và không nhận được thông báo. Khi biết tin này, ông Lê Tiến Điện bị sốc và đột quỵ phải cấp cứu nhập viện, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
Trong khi đó, Ban dự án chưa bồi thường đã chặn dòng thi công. Hậu quả là trong suốt 7 năm qua cây cối, hoa màu và cả chuồng trại chăn nuôi đều chìm dưới nước, khiến heo, gà và cá trong trang trại của ông bị chết hàng loạt. Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ xác động vật gây ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình.
Chuồng trại bị ngập, cá chết hàng loạt của gia đình ông Điện |
Về t kinh tế gia đình ông Điện mất đi nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống. Trước kia, gia đình ông còn có thể dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi để sinh sống, nhưng giờ đây mọi thứ đều bị phá hủy, gia đình ông Điện rơi vào cảnh bần cùng, con cháu ông bị đẩy vào danh sách hộ nghèo của xã, họ không còn gì để bám víu, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng trở nên bế tắc. Đến nay, sức khỏe và tinh thần của ông Điện vẫn chưa được ổn định.
Bất công và thiếu minh bạch trong việc cấp đất tái định cư
Không chỉ riêng gia đình ông Điện, nhiều hộ dân khác cũng chịu ảnh hưởng của việc Ban quản lý dự án đập Đarana đền bù không thỏa đáng. Ông Ngô Văn Hội, một hộ gia đình khác cho biết, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dự án, nhưng ông lại không được cấp đất bồi thường.
Việc không được cấp đất khiến gia đình ông Hội không thể có nơi tái định cư ổn định, mất đi cơ hội để tái thiết cuộc sống.
Gia đình ông Hoàng Văn Tậu phản ánh, việc kiểm kê và áp giá bồi thường tài sản của họ không chính xác, cụ thể: kiểm kê thiếu 100 cây cà phê, 18 cây điều và giảm diện tích 204 m2 đất so với thực tế. Điều này đã gây tổn thất lớn cho gia đình ông, đẩy họ vào tình trạng khốn khó.
Người dân bức xúc về mức đền bù giá thấp và thiếu công bằng với dự án xây dựng đập nước Đarana |
Ông Nguyễn Văn Tám cũng là một trong những hộ dân không đồng ý với mức giá bồi thường đối với diện tích 2 ao nước và 2 giếng đào từ Hội đồng bồi thường. Ông cho rằng mức giá quá thấp so với giá trị thực tế của đất đai và tài sản mà gia đình ông đã mất đi.
Dù đã nhiều lần nộp đơn khiếu nại, nhưng đến nay ông Tám vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ hay điều chỉnh nào từ phía chính quyền hoặc Ban quản lý dự án.
Vấn đề đền bù không chỉ nằm ở mức giá thấp mà còn ở sự thiếu công bằng trong cách Hội đồng bồi thường thực hiện phân bổ đất tái định cư. Theo phản ánh của nhiều hộ dân, có sự chênh lệch trong việc cấp đất, khi một số hộ được đền bù nhanh chóng và hợp lý, trong khi những hộ khác lại bị gạt ra ngoài, không được xem xét, phải chờ đợi trong sự bức xúc mà không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Đập nước Đarana |
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước cần nhanh chóng vào cuộc để có những biện pháp giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nếu không có những giải pháp công bằng và minh bạch, những hậu quả xã hội sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và sức khỏe của các hộ dân.
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!