Bài 2 (Hoài Đức, Hà Nội): Sự “vô cảm” của UBND xã Vân Canh trước hàng loạt tác động tiêu cực đang băm nát quy hoạch tại khu đô thị “ba không”
Khu đô thị vỡ quy hoạch, “chung cư mini” bủa vây tiềm ẩn nhiều mối nguy hại |
Sự “im lặng” của Chủ tịch xã Vân Canh khi quy hoạch bị “băm nát”
Để làm rõ các vấn đề “nóng” về quy hoạch đô thị tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã có bài viết: Xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội): Khu đô thị vỡ quy hoạch, “chung cư mini” bủa vây tiềm ẩn nhiều mối nguy hại” để minh chứng cho chuyên đề “Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế đô thị gắn liền với môi trường sống, sức khỏe của người dân đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật”.
Được biết, ngay sau khi nhận được nội dung làm việc của Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã có Công văn số 1234 ký ngày 30/5 giao UBND xã Vân Canh, xã Đức Thượng kiểm tra và làm việc với Tạp chí Sức khỏe và Môi trường.
Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ thì phóng viên được ông Nguyễn Thế Minh – Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết, sẽ sắp xếp thời gian làm việc. Thế nhưng đến nay đã hơn một tháng trôi qua, vì lý do nào đó mà người đứng đầu xã Vân Canh đã “phớt lờ” chỉ đạo từ UBND huyện Hoài Đức, dù phóng viên đã cố gắng liên lạc nhiều lần để có thể củng cố nội dung nghiên cứu về thực trạng môi trường sống và sức khỏe người dân khu đô thị Vân Canh đang bị “xâm hại” nghiêm trọng.
Tiếp tục khảo sát tại khu đô thị Vân Canh (Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), xã Vân Canh) những vấn đề nổi cộm về vi phạm trật tự xây dựng đã và đang kéo theo hệ luỵ vô cùng lớn về việc: Không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy – Không đảm bảo an ninh trật tự - Không đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Hàng loạt nhà liền kề tại khu đô thị Vân Canh bị chuyển đổi mục đích sang nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ PCCC. |
Trao đổi với một chủ hộ kinh doanh nhà trọ tại Khu đô thị Vân Canh chị T.H. cho biết: Các phòng nhà chị đều là nhà liền kề, đã sửa chữa giá thuê dao động từ 3 triệu đồng – 5 triệu đồng/ phòng diện tích từ 20m2-30m2. Giá điện 3.500 đồng/số, nước cứ 100.000 đồng/người/tháng. Các em thuê ở đây thoải mái, nhà mới chẳng lo ngại gì cháy nổ”.
Khi được hỏi về việc vệ sinh rác thải thu gom, hay điện nước là hộ gia đình nhưng giá tính cao như hộ kinh doanh chị T.H. nói: “Đây là giá chung, gia đình cho thuê nhà trọ tính giá theo dịch vụ mới có lãi. Quanh đây hàng chục nhà cho thuê trọ đều giá như vậy hết”.
Qua khảo sát cho thấy, tại số 8, số 39 dãy LK27; dãy LK 27, số 8 LK 33… hàng loạt các căn hộ nhà liền kề đều biến tướng mục đích sử dụng từ nhà ở thành nhà trọ. Bên ngoài các căn nhà được hàn kín các khung sắt “chuồng cọp” và không có lỗi thoát hiểm tiềm ẩn những rủi ro vô cùng lớn đối với người sinh sống bên trong.
Rác thải tràn ngập trên nhiều điểm vỉa hè trong khu đô thị Vân Canh. |
Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng bốc mùi hôi thối, nhếch nhác xuất hiện nhiều nơi trong khu đô thị Vân Canh khiến dự án từng được kỳ vọng là khu đô thị kiểu mẫu của xã Vân Canh nay trở thành nơi tập trung hàng loạt vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Căn liền kề số 46 LK27 được chuyển đổi mục đích sang làm khách sạn với thiết kế “độc đáo”. |
Chưa dừng lại ở đó, vấn nạn xây dựng ồ ạt, bất chấp vi phạm trật tự xây dựng kéo dài nhưng chưa có sự can thiệp của cơ quan chức năng địa phương. Cụ thể, tại số nhà 16 LK27; số 9 LK33; số 31 LK35, số 8 LK38; Số 19 LK37; Số 1 LK37; số 19 LK3… là loạt công trình có chiều cao, số tầng vượt trội, được biến tướng cho thuê văn phòng, nhà trọ… Cũng tại khu LK27 có số nhà 33 đã đi vào sử dụng với chiều cao vượt trội so với các căn liền kề khác trong khu đô thị và căn 34 đang hoàn thiện các hạng mục xây dựng, số tấng có dấu hiệu vượt chuẩn.
Biệt thự số 17BT15 đang được chủ đầu tư xây dựng có thiết kế “độc lạ” hoàn toàn khác biệt so với thiết kế đã được quy hoạch. |
Căn liền kề số 15 LK24 được hô biến thành nhà trọ lấn chiếm xây dựng cả khoảng vỉa hè để làm nơi để xe. Với quy mô xây dựng 4 tầng được quây kín bàng các rào sắt “chuồng cọp” gần như sự cố cháy nổ xảy ra những người thuê trọ khó lòng tìm được lối thoát nạn. Còn tại số 2 LK24 công tình được hợp thửa xây dựng với quy mô cực khủng, có chiều cao lên đến 6 tầng.
Từ sự “vô cảm” của địa phương, UBND TP cần đánh giá lại số liệu báo cáo
Mới đây, theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Một số địa bàn báo cáo không phát sinh công trình vi phạm hoặc có tỉ lệ công trình vi phạm thấp (dưới 1%).
Theo số liệu đang được tổng hợp, 100% công trình vi phạm đã được UBND cấp huyện, xã lập biên bản. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm 119 công trình (tỉ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%). Tỉ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26% (từ 58,26% xuống 56%).
UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng.
7 quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm gồm: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn.
Đáng chú ý, 8 địa phương có tỉ lệ công trình vi phạm thấp, gồm: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh.
Có thể thấy trong danh sách các địa phương còn để vi phạm xây dựng diễn ra vẫn nổi lên cái tên huyện Hoài Đức. Song cho rằng tại địa phương này có tỷ lệ công trình vi phạm thấp rất cần UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng TP. Hà Nội xem xét, đánh giá lại các báo cáo mà UBND huyện Hoài Đức.
Qua cuộc khảo sát báo chí cho thấy rõ các vi phạm trong xây dựng, quy hoạch đã và đang diễn ra hang ngày, chưa xử lý dứt điểm. Trong trường hợp xảy ra các sự cố cháy nổ, gây tổn hại đến sức khỏe đời sống người dân, hay thiệt hại về tài nguyên đất, quy hoạch kiến trúc Thủ đô ai sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi đặt ra là vì điều gì mà UBND xã Vân Canh “phớt lờ” chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức về việc trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí? Phải chăng đây là chủ trương “đặc biệt” tại xã Vân Canh? Đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo quyết liệt để UBND xã Vân Canh thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND huyện và Luật Báo chí.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội luôn đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn, nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại các loại hình nhà ở trên, lực lượng chức năng không được để phát sinh vi phạm mới, như tự ý nâng tầng, cải tạo chuyển đổi công năng, không bảo đảm điều kiện an toàn, thoát nạn, ngăn cháy. Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ, nhà riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng, mới đây UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 2154/UBND - ĐT về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND thành phố; các chương trình, kế hoạch, quyết định, nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố có liên quan đến lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Không chỉ vậy, nghiên cứu, áp dụng, tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 2198/BXD-HĐXD ngày 21/5/2024 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, khu vực được phân công theo dõi, quản lý. Thành phố cũng giao cho Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tổng hợp, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND Thành phố biện pháp quản lý, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế theo quy định. Ngoài ra, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền hoặc kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, không để phát sinh các công trình xây dựng có vi phạm trật tự xây dựng. Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng, Thành phố giao các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng các công trình theo đúng công năng, thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp. Đối với các công trình cải tạo, sửa chữa, hoặc chuyển đổi công năng, chuyển mục đích sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh (đặc biệt là các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, các cơ sở dịch vụ lưu trú...) phải thực hiện thiết kế về xây dựng, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng... theo đúng quy định pháp luật. TP. Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các công trình vi phạm. Lập kế hoạch chi tiết, cụ thể để xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, tồn đọng theo quy định; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định. |