Bữa ăn tối cuối cùng và câu chuyện Đình Đồng
(Suckhoemoitruong.com.vn) - “Đình Đồng sẽ bị phạt nặng”, đấy là khẳng định của Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường. Nhưng xét cho cùng, lỗi cũng không hoàn toàn phải ở cầu thủ 26 tuổi này.
Đình Đồng vào bóng rất quyết liệt. Ngay lập tức, Hùng đổ gập xuống sân và được cáng thương đưa ra xe cấp cứu. Chẩn đoán của các bác sĩ cho biết Hùng đã bị gãy xương ống chân. Dĩ nhiên, sau sự cố này, Đình Đồng trở thành tâm điểm của dư luận. Trên các trên web không khó để tìm thấy những lời chỉ trích Đình Đồng và cả lò SLNA.
Nhưng thực tế, không phải chỉ Đình Đồng và SLNA đá xấu. Cần nhớ rằng, chấn thương của Anh Hùng đã là ca chấn thương nặng thứ 3 liên tiếp ở V-League chỉ sau 3 vòng đấu liên tiếp gần đây. Đầu tiên ở vòng 5 là trường hợp của Danny David (của ĐT.LA) bị dập phần mềm, rạn xương sườn sau khi bị Đinh Văn Ta của Ninh Bình đạp thẳng vào ngực. Đến vòng 6 đến lượt tiền đạo Alaan Bruno của Than Quảng Ninh bị lật cổ chân, gãy xương mác sau một tình huống tự mình vào bóng quyết liệt. Như vậy, có thể thấy, không chỉ có cầu thủ Việt mà ngay cả các cầu thủ ngoại cũng bị đá xấu, đá rắn. Điều này bất giác khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện: “Leonardo da Vinci & bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng”.
2. “Bữa ăn tối cuối cùng” là bức tranh vẽ Đức chúa trời và mười hai vị tông đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi Chúa bị Judas phản bội. Trước Vinci, đã có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng đã vẽ đề tài này, tuy nhiên họ đều không thực sự thành công. Vì thế Leonardo rất tỉ mỉ khi thực hiện tác phẩm này Leonardo tìm người mẫu rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên, ông chọn được một chàng trai 19 tuổi có gương mặt thánh thiện, một nhân cách tinh khiết tuyệt đối để làm mẫu vẽ Chúa Jesus. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng trước chàng trai, và hình ảnh Chúa Jesus được hiện trên bức vẽ.
Sáu năm tiếp theo ông lần lượt vẽ xong 12 vị tông đồ, chỉ còn có Judas, vị môn đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc, tương đương 16.96 đô la Mỹ và tương đương 254.400 đồng Việt Nam. Hoạ sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đứng người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình...
Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy rằng chưa đủ để bộ lộ cái ác của Judas. Một hôm, Vinci được thông báo rằng có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng được yêu cầu của ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì giết người và phạm rất nhiều tội ác tày trời khác.
Đình Đồng không đáng trách, anh chỉ là nạn nhân của sự xuống cấp tại V-League
Da Vinci lập tức lên đường đến Roma. Trước mắt ông là một gã đàn ông nước da đen sậm với mái tóc dài bẩn thỉu phủ xoà xuống mặt, một khuôn mặt xấu xa, độc ác tự nó nói lên nhân cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hoá. Đúng, đây là Judas!
Được sự cho phép đặc biệt của Đức Vua, người tù được đưa tới Milan nơi bức tranh đang được vẽ dở. Mỗi ngày, tên tù im lặng ngồi trước Da Vinci và hoạ sĩ thiên tài cần mẫn với công viêc truyền tải vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc.
Khi nét vẽ cuối cùng hoàn thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo lính gác "Các ngươi đem hắn đi đi...". Lính canh túm lấy kẻ tử tù, nhưng hắn đột nhiên vùng ra và lao đến quì xuống bên chân Da Vanci, khóc nấc lên: "Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?"
Da Vinci quan sát kẻ mà suốt sáu tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt. Cuối cùng ông đáp: "Không, ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến cho ta từ hầm ngục ở Roma...". Tên tử tù kêu lên "Ngài Vinci... Hãy nhìn kỹ lại tôi! Tôi chính là người mà bảy năm trước ông đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Trời..."
Câu chuyện này có thật, thật như chính kiệt tác "Bữa ăn tối cuối cùng". Chàng trai đã từng được chọn làm hình mẫu của Chúa Trời chỉ sau hơn hai ngàn ngày, đã tự biến mình thành hình tượng hoàn hảo của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử.
3. Ý nghĩa của câu chuyện này là gì? Nó chứng minh rằng: tương lai không hề được định trước, ai cũng có thể bị tha hóa đến tận cùng (từ hình ảnh của Jesus biến thành hình ảnh của Judas). Những trường hợp như Đinh Văn Ta, Đình Đồng hay Alaan Bruno cũng tương tự như thế. Bản chất của họ chắc chắn không xấu, nhưng bầu không khí V-League mà họ đang hít thở hàng ngày, hàng giờ đã tha hóa họ, khiến họ bị cuốn vào cuộc chơi bạo lực. Nếu những cầu thủ này chơi bóng ở một môi trường khác, một giải đấu khác có thể họ đã “thánh thiện như Chúa Jesus”, chứ mang hình ảnh Judas như hiện nay.
Thế nên, xin đừng trách Đình Đồng hay bất kì cầu thủ nào khác. Họ không phải là gốc rễ của vấn đề, nếu không muốn nói đấy cũng chỉ là những nạn nhân. Có trách hãy trách những ông thầy – những người đã dạy và dung túng cầu thủ đá láo; và phải trách những nhà làm bóng đá – đã bất lực trong việc tạo ra một giải đấu tử tế.
theo Trí Thức Trẻ