Cà Mau nỗ lực giữ rừng ven biển
Kè chắn sóng, giúp đai rừng phòng hộ dần phục hồi. Ảnh: PHƯƠNG KHÁNH |
Rừng ven biển mỏng dần
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trước biến đổi thất thường của thiên nhiên, chịu nặng nề từ BĐKH, sạt lở, lá chắn tự nhiên rừng phòng hộ bị phá hủy từng giờ, đơn vị cũng đã báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành về thực trạng sạt lở rừng ven biển. Đặc biệt, có những khu vực rất nguy hiểm biển lấn rừng vào đất liền từ 40 - 50m, thậm chí một số cửa biển đã ghi nhận sạt lở nghiêm trọng sâu vào đất liền gần 80m so với trước.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, khu vực đê biển Tây Cà Mau hiện có hàng chục km trong tình trạng trơ trọi, không còn rừng phòng hộ, sóng dữ tấn công thân đê trực diện, nguy cơ vỡ đê luôn hiện hữu.
Để hạn chế tình trạng trên, tỉnh đã huy động lượng lớn nhân lực, vật tư tham gia hộ đê; các kỹ sư chuyên trách về đê điều và thủy lợi địa phương dùng kè rọ đá thả xuống biển áp sát thân đê… Tuy nhiên, chỉ sau hai ba mùa biển động, nhiều đoạn kè rọ đá đã bị ô xy hóa, đứt mối nối, mất tác dụng. “Chưa được 5 phút, nước dâng sóng đánh hất toàn bộ ngư cụ, người dân trong khu vực này ai cũng đều bị ảnh hưởng. Trước đây, gia đình chúng tôi ở phía trên đất, nhưng giờ phải chuyển ra nhà sàn, vì nước lên và sóng biển đánh vào; thời tiết thì không còn như xưa, chỉ cần khi nước lên và có ít gió là nước tràn và sóng đánh dữ. Chúng tôi mong muốn tại khu vực này sẽ có được một tuyến bờ đê kè, để cuộc sống người dân ổn định hơn”- đại diện những ngư dân ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời chia sẻ.
Thi công công trình kè ở đê biển Tây. Ảnh: PHƯƠNG KHÁNH |
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, những năm qua, tuyến đê biển Đông bị sạt lở mỗi năm từ 45 - 50 m; đặc biệt tại những cửa biển, cửa sông hiện có đến 80% chiều dài toàn bờ biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là khu vực này vẫn chưa có đê. Tình trạng sạt lở theo các tuyến sông, nhất là các cụm dân cư chưa có dấu hiệu dừng lại. Một mối lo khác, là rừng ngập mặn ở Cà Mau đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình xói lở bờ biển diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng, làm cho dải rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp dần.
Tìm hiểu tại huyện Ngọc Hiển chúng tôi được biết thêm, toàn huyện có 98 km bờ biển, riêng phía Đông có 72km từ cửa Tam Giang đến cửa Bồ Đề. Hằng năm, đất lở do sóng triều cường dâng cao mất từ 180 - 200 ha rừng. Địa phương cũng đã kiến nghị với các cấp tiếp tục quan tâm, đầu tư các tuyến kè biển Đông để bảo vệ rừng, vừa phòng chống sạt lở, đảm bảo đời sống của người dân ven biển.
Giải pháp lá chắn từ đê
Từ năm 2010, tỉnh Cà Mau đã tính đến việc tạo kè chắn sóng tạo bãi, đến nay đã xây dựng được 58km, bờ kè được xây dựng cách rừng phòng hộ từ 100 - 150 m, công trình mang lại hiệu quả rất lớn.
Cùng với việc xây dựng các công trình đê và bờ kè, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã tổ chức trồng và tái sinh lại những tuyến rừng phòng hộ. Trong năm 2021, tỉnh triển khai thực hiện việc kê liếp, trồng rừng và chăm sóc rừng sau khu vực kè biển thuộc huyện U Minh với tổng chiều dài 9,7km; mỗi liếp cao trung bình 0,5m, rộng 12m và dài khoảng 80m. Sau khi hoàn thành, mỗi ha mặt liếp có thể trồng được hơn 3.000 cây mắm trắng, thích hợp phát triển trên vùng đất bãi bồi. Đến cuối năm 2022, có 186 liếp trồng xong cây rừng. Ông Nguyễn Minh Chiến, người dân xã Khánh Tiến, huyện U Minh, chia sẻ: “Từ hồi có kè ngoài đê, tôi thấy sóng biển vào bờ yếu hơn, bên trong kè bồi tụ nhiều đất bùn, lâu ngày cây rừng tái sinh rồi thành những thảm rừng xanh tươi như bây giờ. Cũng nhờ vậy, gia đình tôi sinh sống phía sau đê bớt lo sợ”.
Tuyến đê biển Tây đã hoàn thành, bảo vệ tốt vùng sản xuất phía trong. Ảnh: PHƯƠNG KHÁNH |
Khu vực rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, nơi chưa được bao phủ bởi hệ thống đê và bờ kè chắn sóng, hiện nay được quản lý chặt chẽ hơn và đang tạo sinh kế bền vững cho người dân. Khu vực được giao thuê khoanh nuôi, người dân nuôi các loại thủy sản đặc hữu của địa phương dưới tán rừng. Một số hộ dân cũng cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm rừng ngập mặn cho khách du lịch. Các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch khám phá rừng ngập mặn, đang mang lại thu nhập cao và bền vững cho người dân. Người dân cũng nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường rừng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch của mình.
Công trình kè tạo bãi khu vực Mũi Cà Mau đang phát huy tác dụng chắn sóng. Ảnh: PHƯƠNG KHÁNH |
Ông Đỗ Văn Đồng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thông tin: “Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, mặt khác phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ rừng và biển. Song song đó, thực hiện các công trình khoanh nuôi, tái sinh rừng. Những khu vực đang được bồi đắp tiếp tục xây dựng công trình gây bồi tạo bãi; tăng cường trồng cây phân tán trong nhân dân, trồng cây phòng hộ ven sông, kênh, rạch chống sạt lở bảo vệ đất đai… Nhờ kết hợp đồng bộ các giải pháp, giờ đây bên trong kè chắn sóng ven biển Cà Mau đã hình thành bãi bồi, là điều kiện lý tưởng để cây rừng tái sinh”.
Từ việc kết hợp các giải pháp trồng và bảo vệ rừng, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai bên trong những hàng kè chắn sóng đã có thảm rừng mới. Thế nhưng, để đảm bảo phát triển bền vững vùng ven biển trong tương lai, địa phương rất cần nhiều sự trợ sức từ các Bộ, ngành Trung ương bằng các giải pháp đầu tư, xây dựng khép kín hệ thống công trình đê, kè ở cả hai tuyến biển Đông - Tây.