Cần xử lý tình trạng cố tình “chây ì” không khắc phục vi phạm ảnh hưởng đến đất và môi trường sống
Khu vực vi phạm đất đai, môi trường, của ông Đặng Văn Tuấn vẫn chưa được tháo dỡ, khắc phục nguyên hiện trạng (ghi nhận ngày 21/5/2023)
Ngày 13/4/2022, UBND xã Cần Kiệm đã ban hành quyết định xử phạt hành chính về hành vi đổ đất, chất thải xây dựng làm biến dạng địa hình, suy giảm khả năng chất lượng đất với mức 5,000,000đ (Năm triệu đồng chẵn) và yêu cầu khôi phục nguyên hiện trạng ban đầu của đất.
Liên quan đến sự việc trên, trả lời báo chí ông Nguyễn Tuấn Chinh - Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND huyện Thạch Thất, UBND xã đã làm việc với ông Đặng Văn Tuấn và báo cáo sự việc này lên UBND huyện. Tuy nhiên ông Tuấn vẫn chưa tháo dỡ, vận chuyển khối lượng đất đã đổ, việc này UBND xã tiếp tục yêu cầu ông Tuấn phải thực hiện.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền xã Cần Kiệm, ngày 22/4/2023, UBND xã tiếp tục ra Thông báo số 50/TB-UBND về việc yêu cầu ông Tuấn tự giác khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ hàng rào, công trình, di chuyển toàn bộ cây cối, nhà cửa và khối lượng đất đã đổ ra khỏi thửa đất vi phạm trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 22/4/2023. Nếu quá thời hạn trên không tự tháo dỡ, UBND xã Cần Kiệm sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên (PV) ngày 21/5/2023, toàn bộ công trình vi phạm của ông Đặng Văn Tuấn ở khu cửa núi không tháo dỡ, di dời và vận chuyển đất, vật liệu, cây cối ra khỏi khu vực vi phạm. Hiện trạng 2 ngôi nhà cấp 4 được xây dựng trên khu đất này vẫn ngang nhiên tồn tại như thời điểm báo chí phản ánh, Thậm chí khu nhà chòi mới được xây dựng, giờ đây đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, xe cộ, khách đến giao lưu kinh doanh tập trung ở khu vực này còn đông hơn so với trước.
Thời hạn UBND xã Cần Kiệm ra thông báo yêu cầu ông Tuấn tháo dỡ đã hết, tuy nhiên ông Tuấn vẫn “chây ì” không khắc phục vi phạm
Nhằm cung cấp những thông tin này đến UBND huyện Thạch Thất để có biện pháp quyết liệt xử lý, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo, cán bộ huyện Thạch Thất để trao đổi thông tin. Tuy nhiên PV đều không nhận được câu trả lời từ lãnh đạo huyện mà thay vào đó là sự “né tránh”, đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Rõ ràng, hành vi vi phạm của ông Đặng Văn Tuấn trong san lấp mặt hồ, chiếm đất, hủy hoạt đất đã quá rõ. Thế nhưng không hiểu vì lý do nào đó mà UBND huyện Thạch Thất lại “đá bóng” trách nhiệm, không xử lý dứt điểm vi phạm nêu trên (?).
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, kính đề nghị UBND thành phố Hà Nôi, Sở TN&MT cùng các ban ngành liên quan huyện Thạch Thất có biện pháp quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm, không để tình trạng lấn chiếm, hủy hoạt đất công gây tác động xấu tới môi trường. Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường trên địa bàn, tích cực tuyền truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về sử dụng đất đúng mục đích. Đặc biệt, ngay từ đầu khi phát hiện ra sai phạm cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật.
Căn cứ tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ, quy định chiếm đất và hủy hoại đất như sau: 1.Chiếm đất + Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; + Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; + Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp); Xem thêm: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xác nhận như thế nào? + Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. 2.Huỷ hoại đất Căn cứ tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ, huỷ hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó: a. Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận; b. Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp; c. Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người; c. Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các mục a, b và c mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; d. Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các mục a, b và c mà phải đầu tư cải tạo đất mới có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất |
T.H