Chàng trai 8x kiếm tiền tỷ mỗi tháng từ ống hút tre, đưa ống hút tre sang trời Âu
Tre, trúc, nứa vốn là những vật liệu rất quen thuộc ở Việt Nam nhưng không phải ai cũng nhìn ra tiềm năng kinh tế của chúng.
Khởi nghiệp năm 22 tuổi với sản phẩm sáo trúc, đến nay sau 10 năm, anh Nguyễn Văn Mão không chỉ thành công với cây sáo trúc, anh Mão còn là ông chủ của 4 xưởng sản xuất ống hút bằng tre trên khắp cả nước, thu về 10 tỷ đồng mỗi tháng.
Sản phẩm này đã vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam, có mặt ở nhiều quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhiều quán cà phê đã sử dụng ống hút bằng tre của Nghệ nhân Nguyễn Văn Mão (ngoài cùng bên phải)
Bắt nguồn từ ý tưởng từ xưa cha ông ta đã sử dụng ống hút bằng tre để uống rượu cần, năm 2017, anh Mão bắt đầu có ý định dùng ống hút tre để có thể thay thế ống hút nhựa.
“Đến năm 2018, khi có phong trào tẩy chay ống hút nhựa và ở châu Âu đã cấm sử dụng ống hút nhựa, tôi nghĩ ý tưởng của mình có thể thành hiện thực,” anh Mão chia sẻ.
Gần 5 tháng, anh đi khắp các tỉnh, thành phố và nhận thấy nguồn nguyên liệu tre, trúc, nứa ở Việt Nam rất dồi dào.
Anh đã thuê người dân bản địa khai thác, sau đó đưa tre, trúc, nứa về phơi trong vòng 20 ngày sẽ có màu vàng khô tự nhiên, dùng máy đánh bóng lớp bên ngoài cho sạch bụi, tiếp tới đưa vào máy cắt thành từng đoạn; chiều dài ống hút tùy thuộc vào từng đơn hàng, từ 15-25cm; rồi tiến hành mài hai đầu của ống hút để không sắc nhọn.
Khi xong các công đoạn, sản phẩm được đưa vào luộc (có bỏ muối khoảng 1 giờ đồng hồ), để ráo nước và đưa vào máy sấy 1 giờ ở nhiệt độ 120 độ C. Sau khi khô ráo, sản phẩm được đóng gói.
Để tạo ra sự mới mẻ cho sản phẩm Việt, anh Mão còn đầu tư máy khắc chữ nhỏ nhất rất tinh xảo lên ống hút theo yêu cầu của khách hàng.
Từ trước tới nay, chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu ống hút bằng tre ra châu Âu bởi vậy khi đưa sản phẩm ra nước ngoài, anh Mão gặp rất nhiều khó khăn.
Thời điểm chào hàng, anh phải nhờ đến anh em, bạn bè sinh sống, làm việc ở nước ngoài đưa sản phẩm đến từng cửa hàng. Đơn hàng đầu tiên anh nhận được là 1.000-2.000 chiếc ở Hungary.
Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm ống hút bằng tre này đã có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Đức nên dễ dàng được chấp nhận ở các nước châu Âu.
Nhiều khách hàng nước ngoài đã đến Việt Nam, vào xưởng sản xuất để tham quan quá trình sản xuất và đặt những đơn hàng lên tới hàng triệu sản phẩm.
Theo anh Mão, mỗi khóm tre có nhiều cây nhưng không phải cây nào cũng có thể làm được ống hút bởi có cây già, cây bé, cây non và cây măng.
Khi chặt, chọn những cây nào không còn phấn sử dụng vì sẽ không bị tóp, không bị nứt và nhăn nheo. Sau 4 tháng, những cây có phấn lại trở thành cây già, những cây măng trở thành cây có phấn như một vòng tuần hoàn nên có thể khai thác, sử dụng nhiều lần mà không ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay, sản phẩm ống hút bằng tre trên thị trường ở Việt Nam đang thay thế dần thói quen dùng ống hút nhựa.
Ống hút tre thương hiệu Mão Mèo cũng đã có mặt tại các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quán cà phê, trà sữa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mặc dù giá thành sản phẩm cao hơn so với ống hút nhựa nhưng với khả năng tái sử dụng cao, màu sắc đẹp, thân thiện với môi trường, sản phẩm ống hút này đã từng bước đến gần hơn với người tiêu dùng Việt.
Nguyễn Văn Mão được nhận bằng khen Nghệ nhân quốc gia 2017.
Thời gian tới, anh Mão vẫn tiếp tục với ý tưởng sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ tre. Ống hút mới chỉ là một phần rất nhỏ trong ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu từ tre, nứa, trúc của anh Mão để làm nên những sản phẩm có tính ứng dụng, đa dạng hơn.
“Thìa, muỗng, bát, cốc bằng nhựa đều có thể thay thế bằng tre được và Mão sẽ sản xuất những sản phẩm ấy thay thế đồ nhựa dùng một lần,” anh Mão khẳng định.
Từ ý tưởng đó, anh đã và đang lập dự án trồng tre để có thể đủ nguồn nguyên liệu dùng trong nhiều năm và kết hợp với những xưởng cơ khí để làm ra những máy tạo hình thìa, muỗng.
“Những sản phẩm liên quan đến môi trường, mục đích đầu tiên không phải là tiền mà sản phẩm đó phải tiếp cận được với mọi người. Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần xác định mình muốn làm gì. Trước mắt không đặt lợi nhuận lên hàng đầu bởi yếu tố này cản trở chúng ta thực hiện ý tưởng. Phải làm bằng tâm huyết trước và làm có lợi cho tất cả mọi người," anh Nguyễn Văn Mão nhắn nhủ.
P.Thảo (T/h)