Chưa được phê duyệt ĐTM, công ty SEOJIN SYSTEM vẫn ngang nhiên xây dựng nhà máy
Theo tìm hiểu của phóng viên toàn soạn Sức khỏe & Môi trường điện tử, được biết ông Nguyễn Anh Quyền - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư SEOJIN SYSTEM CO.,LTD do ông JUN DONGKYU – Giám độc công ty làm đại diện theo pháp luật vào ngày 11/3/2019.
Dự án có tên gọi Nhà máy SEOJIN Việt Nam do Công ty SEOJIN SYSTEM đến từ Hàn Quốc làm chủ đầu tư được xây dựng trên Lô B1, B2, B3, B6, B7 thuộc Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng với tổng diện tích khoảng 38,8274 ha. Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ chuyên sản xuất, gia công, tái chế kim loại, sắt, nhôm, gang và sản xuất thiết bị điện tử... với tổng mức đầu tư 100 triệu USD.
Chưa được phê duyệt ĐTM nhưng công ty SEOJIN SYSTEM vẫn ngang nhiên xây dựng hàng chục nhà xưởng quy mô lớn trong lòng KCN Song Khê – Nội Hoàng.
Giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ: Tổ chức kinh tế được thành lập để thực hiện dự án đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện thủ tục về môi trường theo quy định trước khi triển khai dự án đầu tư, chấp hành nghiêm các quy định và biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ… theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, theo những thông tin PV nắm bắt được thì dự án này chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Dự án mới chỉ được Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường tỉnh Bắc Giang thông qua và đang yêu cầu nhà đầu tư phải chỉnh sửa lại một số nội dung.
Thế nhưng, trên thực tế nhà đầu tư này đã tiến bộ thi công hàng loạt công trình nhà xưởng quy mô lớn bất chấp việc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định. Điều đáng nói là toàn bộ hoạt động xây dựng của công ty nói trên diễn ra công khai trên một quy mô lớn trong lòng khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng trong một thời gian dài nhưng không bị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xử lý.
Ghi nhận của PV vào ngày 28/6, tại đây có rất đông công nhân, máy móc đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện bên trong và bên ngoài khu nhà xưởng, xe chở vật liệu ra vào rất tấp nập.
Liên quan đến sự việc trên, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết: Dự án chưa được phê duyệt ĐTM mà mới chỉ được Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường thông qua và đang yêu cầu nhà đầu tư phải chỉnh sửa lại một số nội dung.
Vị này cũng thừa nhận việc doanh nghiệp tiến hành xây dựng khi ĐTM chưa được phê duyệt là không đúng quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận phản ánh của PV thì đại diện lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, sẽ kiểm tra và đình chỉ ngay hoạt động xây dựng của doanh nghiệp này.
Dù công ty SEOJIN SYSTEM đã tiến hành thi công từ trước đó nhưng đến tận ngày 17/6, UBND tỉnh Bắc Giang mới thành lập hội đồng thẩm định ĐTM với dự án nói trên.
Về tính pháp lý bắt buộc đối với Báo cáo đánh giác tác động môi trường trong việc triển khai các dự án đã được quy định pháp luật về vấn đề môi trường khi thực hiện các dự án đều được thể hiện rất chặt chẽ và nghiêm túc trong các bộ luật. Cụ thể, có 2 bộ luật ràng buộc vấn đề này về nghĩa vụ của nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện cấp phép xây dựng cho dự án là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng.
Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ: Tại khoản 2 Điều 19 quy định việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án; khoản 2 Điều 25 quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các dự án thuộc đối tượng phải quyết định chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng; Điều 31 quy định chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Luật Xây dựng quy định rõ tại Điều 91, Điều 92 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị, công trình không theo tuyến ngoài đô thị: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ…
Khoản 3 điều 91 Luật Xây dựng nêu rõ: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này. Khoản 5 điều 82 Luật Xây dựng quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.
Khoản 6 điều 82 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.
Như vậy, việc tuân thủ các quy định về môi trường mà cụ thể ở đây là việc được phê duyệt ĐTM là yêu cầu bắt buộc để cấp phép xây dựng cho dự án.
Điều khiến dư luận quan tâm nữa là việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án nhà máy SEOJIN Việt Nam chuyên sản xuất, gia công, tái chế kim loại, sắt, nhôm, gang... được cấp phép với tổng số vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD thuộc thẩm quyền của Bộ Tài Nguyên và Môi trường hay của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, vào năm 2017, một vụ việc tương tự đã xảy ra tại KCN Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Theo đó, dự án sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng hàng trăm triệu USD của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam. Sau khi có giấy phép xây dựng do Ban quản lý các KCN cấp chủ đầu tư đã cho thi công xây dựng dù chưa được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM. Sự việc khiến nhà đầu tư thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì chậm tiến độ và bị các đối tác phạt hợp đồng vì không ra được sản phẩm đúng hạn do bị Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ra Văn bản yêu cầu đình chỉ thi công.
Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV