Chương Mỹ: Dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên vô tư tiêu thụ “đất lậu”?
Đất được trở từ mỏ đá vôi Đồng Ấm về san lấp tại CCN rơi vương vãi khắp đường
Được biết, ngày 14/11/2019 UBND TP. Hà Nội có Quyết định thành lập Cụm công nghiệp(CCN) Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ quy mô khoảng 41,2ha. Dự án có tổng mức đầu tư 765,431 tỷ đồng , tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật( từ quý IV năm 2019 đến quý IV năm 2021). Dự án do Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ có địa chỉ tại Km 25, QL6, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau khi đi vào hoạt động CCN sẽ thu hút các doanh nghiệp như: sản xuất chế biến, sản phẩm may mặc thời trang, mây tre đan vật liệu trang trí nội ngoại thất, sản xuất chế tác gỗ, sản xuất thực phẩm…
Liên quan đến việc thi công dự án trên, gần đây Sức khỏe và Môi trường điện tử liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển đất để san lấp hạ tầng CCN Đông Phú Yên. Đáng nói, nhà thầu thi công còn bị người dân “tố” sử dụng đất lậu, đất không có nguồn gốc, hóa đơn để thi công dự án. Cụ thể: Theo anh Lê Văn Thanh người dân trên địa bàn cho biết: “Mấy tháng qua các xe trọng tải lớn thi nhau chở đất chạy trên quốc lộ 6 vào thi công dự án CCN Đông Phú Yên đã gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường cả tuyến đường, gây mất an toàn giao thông cho người dân, chúng tôi rất bức xúc”.
Xe chạy rầm rầm ngoài đường mang theo ô nhiễm và mất an toàn cho người tham gia GT
Khi phóng viên đề cập đến việc anh có biết họ chở đất từ đâu về ? Anh Thanh không cần suy nghĩ mà trả lời luôn rằng: “Tôi thấy các anh em lái xe nói lấy dưới xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình”.
Trước phản ánh của người dân, PV Sức khỏe và Môi trường đã có nhiều ngày bám theo đoàn xe tải vận chuyển đất từ khu vực mỏ đá vôi Đồng Ấm, tại xóm Sòng, xã Thành Lập (nay là xã Liên Sơn) huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trở đất về thi công san lấp tại dự án CCN Đông Phú Yên. Kết quả cho thấy thông tin người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, tại hiện trường, PV ghi nhận đây là vị trí khai thác đất nằm trong mỏ đá của Công ty TNHH Xuân Mai (nay chuyển nhượng cho Công ty CP CND BROS Việt Nam). Tại đây có 2 máy xúc công suất lớn đang xúc đất chất lên các xe đang xếp hàng tại đó như : 29C-779.82, 29H- 102.0, 29C- 505.79, 29H - 196.63, 29C- 023.18, 29C- 76544… sau khi được chất đầy đất lên thùng, các xe được che chắn sơ sài, rồi chạy “rầm rầm” từ xóm Sòng qua đường Hồ Chí Minh lên Quốc Lộ 6, khoảng 28km về san lấp dự án trên.
Đất làm san lấp mặt bằng tại Cụm công nghiệp Đông Phú Yên có nhiều tạp chât lẫn nilong, bao tải, cành cây thậm chí là chất thải xây dựng không đảm bảo chất lượng
Để thông tin được đa chiều, PV đã có buổi làm việc với đại diện Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ. Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc phụ trách dự án CCN cho biết: “ Công ty hiện đang là chủ đầu tư CCN Đông Phú Yên, việc lấy đất thi công san lấp mặt bằng, Công ty có ký hợp đồng với 5 nhà thầu để vận chuyển đất (Công ty vận tải Sơn Thủy, Công ty Hưng Thịnh, Công ty 369, Công ty Toàn Thắng và Công ty Trường Kỳ), còn việc họ lấy đất ở đâu và trong quá trình vận chuyển đất ảnh hưởng đến môi trường như thế nào, tôi không nắm được. Tuy nhiên trước khi ký hợp đồng, các nhà thầu có dẫn người của Công ty xuống khảo sát 3 điểm mỏ của công ty Đức Trí (Thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn), Công ty xi măng Trung Sơn (xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) và Công ty CP Yên Quang (xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình). Cũng trong buổi làm việc, PV có đặt câu hỏi: Tại hiện trường dự án, PV ghi nhận có rất nhiều đất tạp, đất phế thải, lẫn cành cây, nilon, chất thải xây dựng. Vậy liệu dự án sử dụng những đất phế tạp như vậy có đảm bảo chất lượng công trình hay không? Ông Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Nếu có nội dung như PV nói, tôi sẽ cho kiểm tra, tuy nhiên PV nhắc tôi mới nhớ. Cách đây tháng trước Cảnh sát môi trường có vào hỏi Công ty về việc này, họ cũng đang điều tra”.
Khi Pv đề nghị được tiếp cận toàn bộ hợp đồng, hóa đơn mua đất của 5 đơn vị nhà thầu trên thì ông Hoàng Tuấn Anh nói sẽ cung cấp sau, nhưng qua nhiều ngày liên hệ và đợi chờ PV vẫn không nhận được sự phản hồi nào từ phía Công ty.”
Với câu trả lời trên của đại diện chủ đầu tư dự án CCN Đông Phú Yên thì có thể hiểu rằng, phía chủ đầu tư dự án chỉ quan tâm đến việc có đất để san lấp hạ tầng Cụm công nghiệp còn về nguồn gốc đất nhà thầu thi công lấy từ đâu thì chủ đầu tư không cần phải quan tâm?
Chất thải nguy hại vất chỏng chơ ngoài công trường
Liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý trên địa bàn xã, ông Bùi Văn Trung, địa chính xã Liên Sơn cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay chưa có mỏ đất nào được nhà nước cấp phép khai thác, hai công ty đóng trên địa bàn mà PV đề cập là công ty CND BROS và Công ty xi măng Trung Sơn không được phép khai thác đất. Công ty CND BROS chỉ được cấp phép khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng và nếu có đất cần bóc tách trên bề mặt thì doanh nghiệp chỉ được san lấp tại chỗ, không được mang ra ngoài”. Còn Công ty xi măng Trung Sơn khai thác đất lậu, chúng tôi có xuống lập biên bản, yêu cầu họ dừng khai thác đất khi chưa được cấp phép, nhưng doanh nghiệp vẫn tái diễn nhiều lần. Họ còn cậy thế có mối quan hệ lớn và coi thường cán bộ xã chúng tôi”.Có lẽ, chính việc chủ đầu tư dự án “không quan tâm”, kiểm soát vật liệu đầu vào có được cấp phép hay không, đã gián tiếp tạo kẽ hở cho doanh nghiệp vận tải có cơ hội thực hiện hành vi mua bán hoá đơn, hợp thức hóa chứng từ mua bán đất làm vật liệu san lấp dự án. Hay nói cách khác, bản chất đây là hành vi có dấu hiệu tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế, qua đó họ được hưởng nguồn lợi khổng lồ từ việc sử dụng nguồn đất phi pháp.
Thông tin về phía mỏ đất của Công ty CP Yên Quang, PV có trao đổi qua điện thoại, đại diện Công ty xác nhận, Công ty được UBND tỉnh cấp phép cho khai thác đất, tuy nhiên Công ty không cung cấp đất cho CCN Đông Phú Yên để san lấp.
Máy móc thiết bị đang thi công rầm rộ tại dự án.
Trao đổi với PV Sức khỏe và Môi trường, chủ một doanh nghiệp ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình chuyên kinh doanh VLXD (chủ yếu là đất, cát san lấp) cho biết: “Hiện nay trên thị trường thì đơn giá đất có nguồn gốc, hóa đơn hợp pháp sẽ cao hơn rất nhiều so với giá đất không có hóa đơn. Một khối đất có hóa đơn doanh nghiệp thu về dưới 20.000 đồng, nhưng đất lậu, đất không có hóa đơn doanh nghiệp thu lợi khoảng 50.000 đồng. Như vậy, nếu sử dụng hàng vạn khối đất không rõ nguồn gốc để thi công dự án, thì doanh nghiệp sẽ thu lợi bất chính với một số tiền khổng lồ mà không phải nộp thuế cho nhà nước”.
Ông HoàngTuấn Anh đại diện Tập đoàn Phú Mỹ trong buổi làm việc với Phóng viên
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, PV còn ghi nhận được, hiện nay dự án CCN Đông Phú Yên do Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư còn chưa có quyết định giao đất của các cơ quan có thẩm quyền mà chủ đầu tư đã tổ chức thi công san lấp hạ tầng, làm các công trình phụ trợ cho dự án.
Để tránh việc vận chuyển khai thác “đất lậu” ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt tránh thất thoát nguồn tài nguyên đất, đồng thời ngăn chặn tình trạng khác đất lậu, hợp thức chứng từ hóa đơn của nhà thầu thi công khi hoàn thiện hồ sơ thanh toán công trình dự án. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ và Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ vụ việc trên.
Sức khỏe và Môi trường tiếp tục thông tin.
Nhóm PV