Cuộc khủng hoảng của ngành y tế Pháp
Nhật báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất: ''Bệnh viện công sụp đổ''. Tờ Les Echos lại viết: ''Bệnh viện: Chính phủ đang tìm lối thoát''. Con tờ Libération chạy tựa: ''Bệnh viện: nỗi giận dâng trào !''.
Trong bài báo, Le Monde viết ''Lời kêu gọi'' của 70 lãnh đạo ngành y tế công vùng Paris, nhấn mạnh: ''Bệnh viện công Pháp từ nhiều thập niên qua đã có được một uy tín cao với quốc tế… do các chăm sóc hiện đại nhất cho trẻ em, người lớn, cũng như trong các sứ mạng nghiên cứu, đào tạo. Nhưng nay, chúng tôi báo động với quý vị là hệ thống này hiện đang tan vỡ, chúng tôi không còn đủ khả năng đảm nhiệm được các sứ mạng của mình''. Báo giải thích ''hệ thống bệnh viện công hiện đang suy sụp ở khắp nơi, không chỉ là trong các bộ phận cấp cứu, mà toàn bộ hệ thống đang trong tình trạng nguy ngập''.
Biểu tình tại Paris kêu gọi chính phủ có giải pháp cứu nguy các bệnh viên công, ngày 14/11/2019.
Theo Le Monde ngày 14/11/2019 này, ''lần đầu tiên kể từ hơn 10 năm nay'', toàn bộ giới y tế công, từ tổ chức của giới phụ trách các cơ sở đào tạo y tế, đến các nghiệp đoàn bác sĩ, y tá, hộ lý, dược sĩ, bác sĩ nội trú, sinh viên…. được kêu gọi xuống đường để ''Cứu nguy ngành ty tế công''.
Ông Martin Hirsch, Tổng Giám đốc hệ thống y tế công Paris, cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ chỗ ngành y tế công không tuyển mộ thêm được thêm nhân viên mới và không đủ khả năng vận hành các cơ sở điều trị. Liên đoàn các bệnh viện Pháp lưu ý đến tình trạng được ''đầu tư không đủ'', đặc biệt liên quan đến việc đãi ngộ nhân viên ngành y (có đến 97% cơ sở y tế gặp phải vấn đề này).
Báo Libération giải thích: ''Nguồn gốc của khủng hoảng là rất dễ thấy. Hiện tại, trung bình nhu cầu chăm sóc, điều trị tăng khoảng 4% hàng năm. Đây là cái giá phải trả cho tình trạng dân cư lão hóa, các tiến bộ công nghệ trong ngành y (…) Đối với chính phủ, 4% tăng trưởng này, nếu như họ chấp nhận điều đó, sẽ là một gánh nặng quá lớn cho chi phí công. Mức tăng chi phí kịch trần hiện nay chỉ được phép là 2%. Kết quả (của việc thiếu đầu tư) được biểu hiện hàng ngày: nhân viên mệt mỏi, lương bổng chậm tăng, trang thiết bị thiếu thố. Nguy cơ hệ thống y tế công tan vỡ, nếu chính phủ không có chính sách phù hợp. ''.
Trong bài xã luận: Hãy lắng nghe này, chúng ta đang chìm đây!'', báo Le Monde viết: “Đòi hỏi trước mắt của những người tranh đấu là chính phủ ngay lập tức tuyển mộ hàng nghìn nhân viên mới, tăng lương 300 euro/tháng cho tất cả các nhân viên ngành y, ngừng cắt giảm số lượng giường bệnh tại các cơ sở điều trị.
''Ngành y tế gia tăng áp lực lên chính phủ đến mức tối đa'' là hồ sơ chính của Les Echos. Nhật báo Kinh tế này có bài xã luận: ''Bệnh viện: Chỉ tiền thôi không đủ''. Theo Les Echos, phải tăng tốc thực thi dự án cải cách mang tính hệ thống ngành y, được đề ra hồi năm ngoái. Đặc biệt là làm sao cho ngành y tế công trở lại là nơi thu hút nhân lực, trong bối cảnh bị y tế tư nhân cạnh tranh mạnh.
Cách nay 6 tuần, Bộ trưởng Y tế Angès Buzyn đã thông báo một ''kế hoạch khôi phục'' để đối phó với cuộc khủng hoảng của ngành cấp cứu, nhưng lãnh đạo Bộ Y tế cho đến gần đây dường như đã không nhận ra mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và mức độ quyết liệt của cuộc phản kháng. Hôm thứ Ba 12/11, Bộ trưởng Y tế dường như đã bắt đầu thay đổi thái độ, cho biết đàm phán đang được khởi sự, để tăng mức đầu tư cho các cơ sở y tế.
Theo Le Monde, chính phủ Pháp, bằng mọi giá, muốn phong trào ngành y hạ nhiệt, trước cuộc bãi công ngày 05/12 chống dự án cải cách hưu trí.
Linh Đức