Gây ô nhiễm nguồn nước phải trả tiền: Biện pháp có khả thi?
Thực trạng đáng báo động
Kết quả nhiều cuộc khảo sát cho thấy một thực tế, hiện nay khoảng 80% đến 90% nước thải đang xả thẳng ra môi trường. Tại các tỉnh, thành phố mới chỉ xử lý được 15%-30% lượng nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường. Số lượng nước còn lại đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra ao, hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước; là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Bày tỏ lo ngại trước thực trạng nước thải sinh hoạt tại các đô thị chưa qua xử lý vẫn ngang nhiên xả ra môi trường, làm giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người, giới chuyên gia môi trường cho rằng giải pháp cấp thiết hiện nay là cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, năng lực xử lý nước thải ở các đô thị đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Trong khi việc quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực đang có vấn đề. “Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì khoảng 20-30 năm tới, chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng - đây là nguy cơ rất đáng báo động,” ông Huân chia sẻ. Nhận định về thực trạng này, ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng nên việc thu gom nước thải và xử lý nước thải còn gặp rất khó khăn. Tại các đô thị ở Việt Nam, đa số là hệ thống xử lý nước thải chung, trong khi theo quy định thì cần hệ thống riêng, tách 2 hệ thống song hành. “Hiện 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đổi thành cống nước thải nhưng cũng làm giảm năng lực thoát nước. Sự phát triển của các đô thị và sự phát triển của hệ thống thoát nước có khoảng cách lớn”, ông Khánh nói. Tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XII, Đảng đã đưa ra Nghị quyết 24 về bảo vệ môi trường, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về xử lý nước thải. Các bộ, ban, ngành đều có những chính sách quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Mới nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ các chỉ tiêu không được xả thải ra môi trường. Có thể thấy tầm nhìn của các chính sách đã có. Tuy nhiên, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu thay đổi chậm hơn so với thực tế. Vấn đề môi trường vẫn theo xu hướng hoạt động công ích, bao cấp. Nguồn lực chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong khi xử lý nước thải triệt để không chỉ là nhà máy mà còn là vấn đề thu gom và công nghệ.
Thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc lưu vực sông Sài Gòn).
Thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa
Với tình trạng hệ thống hạ tầng xử lý như hiện nay, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng “sẽ còn xa mới đáp ứng được nhu cầu.” Do vậy, để đảm bao được hạ tầng thì Việt Nam cần sự đầu tư sơ bộ để xử lý tối thiểu là 20 tỷ USD. Đây là 1 lượng kinh phí lớn không dễ gì đáp ứng được”. Theo đó, ông Đồng đề xuất Việt Nam có thể xem lại các hệ thống chính sách cơ chế hiện hành, để khơi thông nguồn lực quốc gia, phát triển hợp tác quốc tế. Tiếp đó, Việt Nam cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa - theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao để công tác này phải có nguồn thu. Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi không sử dụng nguồn vốn theo hướng hoạt động công ích, mà cần kêu gọi tư nhân đầu tư, theo hướng kinh tế thị trường, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi. Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, tiếp cận theo hướng kinh tế thị trường. Ông Huân kiến nghị: “Gần đây nhất, tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có mục chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%. Theo đó, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10- 20 tỷ USD. Do vậy, chúng ta cần có chính sách để thu hút tư nhân đầu tư, áp dụng kinh tế thị trường, dùng các nguồn thu bù cho phí xử lý”. “Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài và bền vững, cần tăng cường các biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta cần hướng tới việc xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị,” ông Huân chia sẻ.
MAI LAN