Hà Nội: Tìm lời giải cho “bài toán” xử lý chất thải rắn xây dựng
Theo thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng về quản lý CTRXD quy định, CTRXD là các loại chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ các công trình, dự án, nhà ở.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng CTRXD phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 3.000 tấn/ngày, nhưng hiện mới chỉ xử lý được khoảng 1.500 tấn/ngày. Trong khi đó, một số điểm xử lý CTRXD sắp phải dừng hoạt động do hết khả năng lưu chứa... Đây là những dấu hiệu cho thấy nguy cơ quá tải CTRXD đang hiện hữu.
Đổ thải trái phép CTRXD vấn đề nhức nhối của Xã Hội
Dạo quanh các huyện ven đô, không quá khó để bắt gặp những đống CTRXD ngổn ngang, bừa bãi, thậm chí nhiều vị trí đổ thải còn là khu vực đất công, ao hồ, đất nông nghiệp và triền đê ở vùng ven các huyện như: Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh … Hiện tượng trên không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đánh mất mỹ quan đô thị.
Điển hình như ở xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), chỉ từ đầu năm tới giờ có rất nhiều diện tích đất nông nghiệp, ao hồ, triền đê, dự án chưa xây dựng đã bị các đối tượng đổ trộm san lấp CTRXD. Người dân ở Xã Vĩnh Quỳnh cho biết: "Lợi dụng ban đêm, nhiều vị trí đất nông nghiệp như ao, hồ bị các đối tượng đưa chất thải vào đổ tràn lan gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Khi người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng đến thì họ đã “cao chạy, xa bay”.
Nạn đổ CTRXD trái phép ra các khu đất công, triền đê, sông, ao hồ, đất nông nghiệp vẫn diễn ra hết sức nhức nhối |
Để xảy ra thực trạng trên một phần do thành phố Hà Nội bố trí quá ít điểm tái chế, xử lý CTRXD. Hiện toàn thành phố chỉ có 3 điểm, gồm bãi chôn lấp CRTXD Nguyên Khê (ở xã Nguyên Khê và Xuân Nộn, huyện Đông Anh), rộng 28ha, hoạt động từ năm 2011 với công suất 360 tấn/ngày. Sau hơn 11 năm hoạt động, hiện bãi chỉ còn 2ha ở địa bàn xã Xuân Nộn. Dự kiến, hết năm 2023, bãi sẽ phải đóng cửa do hết chỗ. Hai điểm còn lại là điểm trung chuyển tạm thời và tái chế CTRXD bằng công nghệ nghiền, ở quận Hoàng Mai, có vị trí tại chân cầu Thanh Trì (phường Thanh Trì) và khu vực 6,5ha nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ (phường Hoàng Liệt), có tổng công suất xử lý 1.200 tấn/ngày. Đến cuối năm 2023, hai điểm này cũng hết thời gian được phép hoạt động thí điểm. Như vậy, tổng công suất xử lý của 3 điểm nêu trên chỉ giải quyết được hơn một nửa số CTRXD phát sinh mỗi ngày (khoảng 1.560 tấn/3.000 tấn)
Một người dân trên địa bàn huyện Đông Anh cho biết: Nguyên nhân trực tiếp khiến nạn đổ trộm CTRXD gia tăng là do thành phố Hà Nội bố trí quá ít điểm trung chuyển, xử lý chất CTRXD
Nhiều dự án xử lý CTRXD chỉ “nằm” trên giấy.
Trong khi nạn đổ trộm CTRXD diễn ra phức tạp, khó kiểm soát thì việc triển khai quy hoạch điểm xử lý chất thải rắn của Hà Nội chuyển động rất chậm do nhiều vướng mắc. Cách đây 9 năm, ngày 25/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, có 26 bãi đổ CTRXD được đưa vào quy hoạch. Trong số này, các dự án ưu tiên đến năm 2020 gồm 12 dự án, thuộc các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Phú Xuyên, Thường Tín...
Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội cũng có chủ trương đầu tư xây dựng 5 bãi chứa CTRXD tại các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên đến nay các dự án trên đều chưa được triển khai. Trong khi đó, 6 bãi đổ CTRXD quy hoạch ngoài đê, sát chân đê ở các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng cũng “giậm chân tại chỗ”.
Như vậy, sau 9 năm thực hiện Quyết định số 609/QĐ-TTg, hiện nay chỉ có bãi Nguyên Khê (huyện Đông Anh) đang tiếp nhận chôn lấp và hiện có 2 bãi được thí điểm tiếp nhận, xử lý, tái chế ngay khu vực cầu Thanh Trì thuộc phường Thanh Trì do Công ty CP xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội thực hiện và một bãi tại Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc phường Hoàng Liệt do Công ty CP Dịch vụ Toàn Cầu thực hiện.
Trong khi đó, số lượng CTRXD mỗi ngày đổ về đây rất lớn khiến diện tích bãi này ngày càng bị thu hẹp do hết chỗ và cũng hết thời gian được cấp phép hoạt động thí điểm trong thời gian tới.
Trao đổi về việc chậm triển khai Quyết định số 609/QĐ-TTg, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Huy Cường cho biết: Do vị trí quy hoạch của các bãi xử lý chôn lấp chất thải đều nằm ngoài đê, sát chân đê, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ theo Luật Đê điều, một số dự án đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đều chậm triển khai. Bên cạnh đó, các bãi đổ CTRXD bằng phương pháp chôn lấp hiện không còn phù hợp và không đảm bảo môi trường.
Với thực trạng trên có thể thấy, lượng CTRXD phát sinh trên địa bàn Thủ Đô đang có nguy cơ quá tải. Việc cần thiết là phải tìm ra những giải pháp để giải “bài toán” quá tải lượng CTRXD phát sinh hàng năm.
Cần siết chặt công tác quản lý nhà nước
Thời gian vừa qua Bộ xây dựng đã ban hành thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 quy định về quản lý CTRXD. Theo đó việc quản lý CTRXD phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung về quản lý chất thải có liên quan quy định tại Điều 4 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, Luật Xây dựng năm 2014 quy định các nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm về quản lý chất thải xây dựng; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định chất thải xây dựng sẽ được thu gom, xử lý đúng quy định; hay Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình năm 2009 quy định, nhà thầu xây dựng phải vận chuyển và thải bỏ chất thải xây dựng tại những nơi được quy định.
Tuy nhiên, chế tài xử lý vi phạm về vấn đề này được cho là chưa đủ sức răn đe; chỉ những dự án lớn mới được giám sát chặt việc phá dỡ, vận chuyển và đổ thải; công trình nhỏ lẻ của hộ gia đình ít được quan tâm. Chính vì vậy tình trạng đổ CTRXD ra môi trường, xa khu xa dân cư đang là vấn đề nổi cộm gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong khi đó, theo đánh giá tại thời điểm cuối năm 2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố thiếu ít nhất 3-5 vị trí xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng (công suất 500-1.000 tấn/ngày). Với tình thế cấp bách hiện nay, các sở, ngành, chính quyền các cấp cần khẩn trương phân đoạn, phân kỳ trong công tác đầu tư cho các điểm xử lý, tái chế chất thải xây dựng. Đồng thời, phải quyết liệt hơn trong công tác giám sát, quản lý, xử lý các cá nhân, tổ chức cố tình đổ CTRXD không đúng nơi quy định, ra đường giao thông, vỉa hè, đất nông nghiệp… gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo an toàn giao thông.
Tái chế CTRXD lời giải cho cho “bài toán”
Theo các nhà khoa học việc đưa công nghệ tiến tiến để xử lý, tái chế CTRXD làm vật liệu tái chế có thế đem lại nhiều ý nghĩa cả về khoa học, kỹ thuật cũng như lợi ích kinh tế, môi trường. Khi có thể vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, không mất diện tích đất cho bãi đổ, giảm lượng chất thải công nghiệp và tiết kiệm chi phí xử lý cũng như vận chuyển đến bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, nếu làm tốt công tác tái chế CTRXD, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn chi cho việc xử lý chất thải rắn như hiện nay. Bởi, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỷ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25-30% là rác thải xây dựng.
Theo các chuyên gia xây dựng, hiện nay đã có công nghệ nghiền, tái chế CTRXD được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, đang áp dụng xử lý tại Việt Nam. Hệ thống này vừa họat động tại bãi xử lý, vừa di chuyển linh hoạt đến các khu phố, chân công trình để xử lý tái chế và cấp vật liệu ngay cho công trình. Công nghệ trên cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi. |
Công nghệ tái chế CTRXD RM 70GO & RM Screem-Line CS3600 của hãng Rubble Master đang áp dụng xử lý chất thải tại Hà Nội |
Còn theo ông Đỗ Văn Toan - Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ sản xuất Toàn Cầu: “Chất thải xây dựng như đất, gạch, bê tông có thể được tái chế, tái sử dụng bằng cách xử lý, quản lý thích hợp và có thể được sử dụng cho các công trường xây dựng thi công san lấp, san nền, bồi đắp, sản xuất các loại gạch không nung, gạch block, ...hay những sản phẩm, vật dụng mang lại lợi ích cho cuộc sống. Việc sử dụng vật liệu tái chế góp phần trực tiếp để tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Hiện nay, vấn đề quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014) đang được đưa vào quy hoạch chung của thành phố; trong đó sẽ xem xét điều chỉnh về vị trí, công nghệ... cho phù hợp với thực tiễn. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Huy Cường cho biết: Sở đã rà soát, đề xuất với thành phố Hà Nội giải pháp cấp bách từ nay đến năm 2025 lựa chọn triển khai các dự án thuận lợi về mặt bằng, có công nghệ hiện đại và triển khai được ngay; đồng thời cho phép sử dụng các thùng đào, hố đấu để đưa chất thải rắn vào san lấp, hoàn nguyên mặt bằng… |
Như vậy để tập trung giải “bài toán” quá tải CTRXD cần thực thiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quy hoạch, xử lý CTRXD. Mặt khác tăng cường các biện pháp trong quản lý CTRXD phát sinh trên địa bàn theo phân cấp quản lý; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các chủ nguồn thải vi phạm trên địa bàn, thúc đẩy nhanh các dự án đã được quy hoạch, tạo điều cho các nhà đầu tư thực hiện dự án với công nghệ tiên tiến tái chế chất thải, góp phần xây dựng diện mạo Thủ đô văn minh, sạch đẹp.